25-1-2016
1. Theo truyền thống,
hầu hết các Đại hội, Hội nghị tại Việt Nam đều đã được cài đặt để thành công
rực rỡ. Diễn văn khai mạc, phát biểu bế mạc, nghị quyết, kết luận đều được viết
sẵn từ trước. Mọi sửa đổi trong đại hội chỉ là ở câu chữ. Mặc dù đấu đá trong
giới lãnh đạo tại đại hội 12 gay cấn nhất trong lịch sử của đảng cộng sản,
nhưng rồi đại hội này cũng sẽ thành công theo đúng quy trình của nó. Những ai
ao ước có một biến cố gì đó sau đại hội, đều nên xác định trước để khỏi bị thất
vọng.
Ấy vậy mà, cả dân tộc
này vẫn mong đợi. Nơi đây tôi đợi, bên kia anh chờ. Trong nước đang mong, bên
ngoài đang ngóng. Mong như mong mẹ về chợ, càng mong càng thấy lâu, lâu đến bồn
chồn. Người phân tích, kẻ dự đoán, nhưng ai ai cũng mong có một sự thay đổi.
Chúng tôi đã lường
trước được rằng, dù ông Trọng, ông Dũng hay bất cứ ông nào, nắm chức TBT thì họ
vẫn kiên định theo lối cũ mà thôi. Có chăng dân tình ngây thơ, lại một lần nữa
hùa lên háo hức bởi những câu phát biểu mị dân, một vài tháng sau khi nhận
chức, như kiểu ông Trọng đã làm vào đầu năm 2011.
Các ông kiên định
được chẳng qua là vì các ông không hoặc chưa có gì mới để thế vào cái cũ, và là
vì các ông còn nghĩ các ông vẫn còn cơ để kiên định. Dân tình vẫn ngoan ngoãn
để các ông làm chuột bạch trong cuộc thử nghiệm điên rồ nhất trong lịch sử nhân
loại, mà chính ông Trọng đã xác định, hàng trăm năm nữa cuộc thử nghiệm này vẫn
chưa kết thúc.
Điều nguy hiểm nhất
cho dân tộc này, chính là ở chỗ các ông đang tiếp tục kiên định. Vận động là
đặc tính để thay đổi, nhưng đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chúi đầu vào
cái sọt rác để vớt lên cái chủ nghĩa Mác Lê Nin, mà nhân loại đã vứt nó đi
không thương tiếc từ những năm 1990.
Nó nguy hiểm ở chỗ,
chủ thuyết cộng sản là đối lập hoàn toàn với tư tưởng dân chủ. Dân chủ là chia
ra, còn cộng sản là thu (ôm) vào. Dân chủ, tự do là tiền đề của sáng tạo và
phát triển. Chỉ có con đường cải cách chính trị, mở rộng dân chủ, cải thiện nhân
quyền, mới đưa đất nước này ra được khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hiện nay.
2. Sau đại hội 12,
đội ngũ thất vọng lại càng thêm đông đảo. Rất có thể lại có thêm một làn sóng
bỏ đảng mới. Cũng đúng thôi, phần đông đảng viên hiện nay đều sáng láng, có học
và tầm hiểu biết đã rộng mở hơn nhiều so với lớp đàn anh, đàn chú bác. Họ ít có
thể bị mù quáng kiên định, mà họ chỉ là khôn ngoan (lỏi) kiên định. Số mù quáng
điên rồ không nhiều lắm, hoặc giả là do công việc của họ là phải kích động điên
rồ, như một số dư luận viên đang làm. Phần đông họ tạm đeo mặt nạ để giả vờ
kiên định. Đảng đang là công cụ và phương tiện để thu về lợi ích cho riêng mình
mà. Thắng được nó không dễ, trước tiên phải thắng được chính mình.
Có lẽ đây là lần đầu
tiên trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam, có một đại biểu – Bộ trưởng, dám
phát biểu đòi hỏi cải cách chính trị, ngay trong đại hội đảng. Như vậy, không
ít đảng viên có lòng tự trọng, biết nghĩ đến cái chung, đã và đang lên tiếng
mạnh mẽ. Thêm vào đó là phong trào dân chủ và dân oan ngày càng rộng rãi. Sức
ép đòi đảng phải có thay đổi đang ngày càng tăng. Cách đảng ứng xử, đối phó với
dân, chứng tỏ họ đã lâm vào tình thế lúng túng. Họ đã bắt đầu lúng túng, khi ta
nhìn thấy họ không biết nên thít chặt lại hay nới lỏng ra.
Tháng 10/2013, tôi từ
bỏ đảng cộng sản Việt Nam. Trong tuyên bố rời khỏi đảng, tôi đã nêu ba lý do:
– Đảng cộng sản Việt
Nam tiếp tay và làm ngơ trước việc Trung Quốc xâm lấn và dần dần thôn tính Việt
Nam.
– Đảng cộng sản Việt
Nam đi theo chủ nghĩa Mác – Lênin, để xây dựng cái gọi là chủ nghĩa xã hội tại
Việt Nam.
– Mọi niềm tin về
đảng mất hoàn toàn, khi tôi tin rằng ông Hồ Chí Minh là một người Trung Quốc,
đội lốt ông Nguyễn Ái Quốc đã mất từ năm 1932.
Sau đại hội 12 sẽ có
bao nhiêu đảng viên, bao nhiêu người dân chia sẻ với tôi về những lý do mà tôi
bỏ đảng nêu trên. Như bài hát của nhạc sĩ Việt Khang: Việt Nam ơi, sau một nửa
đời người thì mọi thứ đã tỏ tường rồi. Không tiếp tục bưng bít được nữa đâu.
Với hai lý do đầu, tôi nghĩ tất cả người dân Việt Nam và phần đông đảng viên
đều có cảm nhận tương tự.
Duy chỉ có lý do thứ ba, một lý do hoàn toàn nằm
trong niềm tin cá nhân, khó có thể lay chuyển được, trừ khi được chứng minh bởi
một xác minh công khai và chính thức về những bí mật về đời tư ông Hồ Chí Minh.
Một con người đã làm khuấy đảo mọi giá trị của dân tộc Việt Nam.
3. Mong
muốn dân chủ hóa đời sống chính trị và xã hội tại Việt Nam là một mong muốn đa
số và chính đáng. Sự áp đặt của đảng trong hơn nửa thể kỷ qua, đang như được
nén trong một nồi áp suất, chờ lúc bùng ra. Không ít người theo dõi đại hội 12,
để chỉ mong có một biến cố. Một số người ủng hộ ông Dũng hơn ông Trọng, chỉ vì
theo họ tham còn hơn lú. Và vì họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Nếu chẳng có một biến
cố nào xảy ra, trong và sau đại hội thì người dân Việt Nam lại tiếp tục chờ đợi
thêm 5 năm nữa. Một sự khẳng định nghe rất chối tai và chắc sẽ bị nhiều người
phản đối, không phải là vì họ không bị ám ảnh tương tự mà là vì họ trách: gở
mồm.
Cuối cùng rồi lịch sử
Việt Nam sẽ được diễn ra theo một trong hai cách: Nồi áp suất nổ hoặc tự tháo
van để xì hơi trong êm ấm. Tháo van để xì hơi trong êm ấm là cách mà Miến Điện
đã thực hiện gần đây.
Một chế độ dân chủ
cần có hai yếu tố, đó là: tư tưởng dân chủ và cơ chế dân chủ. Trong đó tư tưởng
dân chủ phải có trước. Có con người có tư tưởng dân chủ thì chính họ sẽ là
người gây dựng nên cơ chế dân chủ phù hợp. Tư tưởng dân chủ từ Bà Aung San Suu
Kyi, cộng với sự tháo van của Tổng thống Thein Sein, Miến Điện đã có cơ hội
theo chân vào hàng ngũ các quốc gia dân chủ.
Tấm gương Miến Điện
thật là gần và dễ học. Lúc này đây cần lắm sự xuất hiện một Aung San Suu Kyi
tại Việt Nam. Nếu chưa có được thì cái cữ 5 năm đã nói ở trên, không hẳn là
điều gở mồm.
Phong trào dân chủ
tại Việt Nam hiện nay đã có nhiều gương mặt tín trọng : Nguyễn Văn Đài, Nguyễn
Lân Thắng, Lê Công Định, Lê Thị Công Nhân, Phạm Chí Dũng, Trần Huỳnh Duy Thức
v.v…
Nhưng họ đều là người ngoài hệ thống và được đảng và nhà nước chăm sóc kỹ
lưỡng hoặc bỏ tù. Họ chỉ là những nhân tố hết sức quan trọng làm sức ép trong
nồi áp suất, họ đâu có cơ hội là người tháo van. Cần lắm một con người như Tổng
thống Thein Sein tại Miến Điện.
Các ông Trần Xuân
Bách, Trần Quang Cơ, Nguyễn Cơ Thạch là những nhân vật đáng kính, nhưng sinh ra
không đúng thời, hy sinh lợi ích cá nhân để bảo vệ chân lý của mình, nhưng đều
bị thất thế trong thể chế ác nghiệt này. Mọi người đang nói nhiều đến thoát
Trung, thoát cộng, nhưng theo tôi, đối với những người cộng sản đương quyền
hiện nay, đó là bài học thoát ra khỏi chính mình, như ông Bách, ông Cơ, ông
Thạch đã làm trước đây.
Có ngọn gió lành nào
nhẹ nhàng thổi đi làm thay đổi tư tưởng của các nhà lãnh đạo không? Phúc đức
cho dân tộc Việt Nam lắm đó.
Đặng Xương Hùng –
Genève, 24/01/2016.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment