zz

br /> br /> /> br /> ----

Saturday, 7 November 2015

Chủ tịch Quốc hội Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi


Chủ tịch Quốc hội Miến Điện ủng hộ bà Aung San Suu Kyi

media
Chủ tịch Quốc hội Miến Điện Shwe Mann trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 4/11/2015 tại nhà riêng ở Phyu, Miến Điện.REUTERS/Olivia Harris
Một trong những chính trị gia được cho là có ảnh hưởng nhất Miến Điện, ông Shwe Mann, Chủ tịch Quốc hội vừa bị bãi chức chủ tịch đảng cầm quyền hồi 08/2015, đã lên tiếng công khai ủng hộ bà Aung San Suu Kyi. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Anh Reuters hôm 04/11 ông Shwe Mann cho biết sẵn sàng hợp tác với đảng của nhà đối lập tại Quốc hội sau cuộc bầu cử lịch sử tới đây. 
Trong bài phỏng vấn, ông Shwe Mann cho biết ông và nhà lãnh đạo đối lập thường xuyên gặp nhau và đã tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết cách thức hợp tác với bà Aung San Suu Kyi và cũng cho biết là đã chuẩn bị để hợp tác với các đảng phái khác.
Tại một hội nghị tổ chức cách đây hai hôm, ngày 03/11, khi được hỏi về mối quan hệ với ông Shwe Mann, nhà lãnh đạo đối lập đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) phát biểu sẽ chỉ xem xét lợi ích của việc hợp tác với ông Shwe Mann sau khi việc kiểm phiếu kết thúc.
Chủ tịch Quốc hội Miến Điện cho biết có khoảng 60% nghị sĩ ủng hộ ông, song không thể dự đoán được số lượng người ủng hộ tại Quốc hội mới. Trong trường hợp đảng của bà Aung San Suu Kyi không đạt được đa số phiếu tại quốc hội, thì sự ủng hộ của ông Shwe Mann có thể sẽ giúp nhà lãnh đạo đối lập thành lập được một chính phủ mới.
Ông Shwe Mann ít nói trước công chúng về mối quan hệ khá thân thiết của ông với lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Mối quan hệ này làm dấy lên nhiều nghi ngờ của một số thành viên đảng cầm quyền USDP và là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc ông bị bãi chức chủ tịch đảng vào tháng 08 vừa qua. Sự kiện này cũng được đánh giá là một cú lật đổ chính trị nghiêm trọng nhất từ năm 2011 khi chính quyền quân sự tự giải thể.
Cũng trong lãnh vực chính trị, một trong những người đứng đầu phong trào biểu tình sinh viên hồi tháng 03 vừa qua, Linn Htet Naing, (hay "James") đã bị bắt tối thứ Ba 03/11 và bị đưa ra xét xử tại một tòa án ở Rangoon ngày hôm 05/11. Hãng tin AFP nhận định hành động này là dấu hiệu căng thẳng cuối cùng của chính quyền chỉ ba ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử quốc hội.
Thanh niên này phải đối mặt với nhiều cáo trạng, trong đó có tội « biểu tình không được phép ». Trong số 81 sinh viên bị truy tố sau khi cuộc biểu tình bị đàn áp, hiện vẫn còn 54 sinh viên đang bị giam giữ trong khi chờ kết thúc phiên tòa xét xử, trong đó có Phyoe Phyoe Aung, vợ của "James" và là Tổng thư ký các hiệp hội sinh viên. Tuần trước, Kyaw Ko Ko, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên, bỏ trốn từ hồi tháng 03, cũng đã bị bắt giam. Tổ chức Ân xá Quốc tế mới đây tỏ ý lo ngại về việc chính quyền Miến Điện quay lại « thói quen cũ » của chế độ quân sự.
Riêng về cuộc bầu cử sắp diễn ra, hôm qua, 04/11, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes nêu ý kiến rằng Nhà Trắng sẽ nới lỏng trừng phạt và tăng cường quan hệ với Miến Điện nếu cuộc tổng tuyển cử ngày 08/11 diễn ra một cách minh bạch và dân chủ.
Danh sách trừng phạt do Mỹ áp đặt từ những năm 1990 bao gồm các cá nhân và thực thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, như ngân hàng, hàng không, tập đoàn công nghiệp, khách sạn. Biện pháp này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà đầu tư.

Miến Điện : Một cuộc bỏ phiếu đầy bất trắc

  •  
  •  
  •  
  • Share

Miến Điện - với cuộc Tổng tuyển cử ngày 08/11/2015 – đang hy vọng bước qua một trang sử mới, khi chính quyền – mà đằng sau là giới tướng lĩnh - công nhận về nguyên tắc quyền của người dân lựa chọn cho mình các đại diện chính trị. Cuộc bầu cử quan trọng này có triển vọng ra sao ? Đâu là những thách thức đối với đảng đối lập của lãnh tụ Aung San Suu Kyi, mà nhiều người cho rằng một lần nữa có khả năng dành chiến thắng ?

Hơn nửa thế kỷ độc tài quân sự ; một phần tư thế kỷ sau chiến thắng áp đảo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) trong cuộc bầu cử Quốc hội, nhưng không được các tướng lĩnh công nhận ; 12 năm sau vụ tấn công đẫm máu nhắm vào đoàn cổ động viên ủng hộ lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, cuộc bầu cử Chủ nhật tới được nhiều nhà quan sát nhìn nhận như là một trắc nghiệm hết sức quan trọng của tiến trình chuyển đổi dân chủ tại Miến Điện.
Một số tiến bộ quan trọng được cộng đồng quốc tế ghi nhận là chính quyền chấp nhận các quan sát viên nước ngoài. Bên cạnh đó, nơi tổ chức bầu cử được phép đón nhận phóng viên của truyền thông địa phương hoặc quốc tế.
Ba kịch bản chính
Trong số khoảng 90 đảng phái ra tranh cử, với hơn 6.100 ứng cử viên tranh 1171 ghế nghị sĩ tại 330 đơn vị bầu cử, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) của các cựu tướng lĩnh và đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ là hai đảng chính trị lớn nhất. Nhìn chung, theo quy định của Hiến pháp hiện hành, đảng của giới cựu quân nhân có rất nhiều lợi thế. Bởi, 25% số ghế trong Quốc hội mặc nhiên do Quân đội kiểm soát, đảng nào muốn dành được đa số tuyệt đối (tức hơn 50% ghế nghị sĩ) trong Quốc hội mới, thì phải giành được hơn 2/3 số ghế còn lại được bầu đợt này.
Như vậy, ba kịch bản chính có khả năng xảy ra. Thứ nhất, đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ dành được hơn hai phần ba ghế và đạt được đa số tuyệt đối. Theo một số dự báo được AFP ghi nhận hôm 28/10, hiện tại không đảng nào có đủ khả năng dành được 75% số ghế.
Khả năng thứ hai là đảng đối lập chỉ được ít hơn 2/3 số ghế và buộc phải liên kết với một số đảng phái dân tộc thiểu số hoặc đảng nhỏ khác để có được đa số tuyệt đối.
Khả năng thứ hai có nhiều cơ hội xảy ra. Bởi, khoảng 65% các đảng phái là xuất thân từ các cộng đồng dân tộc thiểu số, chiếm tổng cộng khoảng 40% dân số. Các đảng phái này có nhiều hy vọng chiếm được không ít ghế trong Quốc hội mới.
Kịch bản thứ ba là, đảng cầm quyền của Tổng thống Thein Sein chiếm được hơn một phần ba số ghế. Trong trường hợp đó, về nguyên tắc, đảng này có thể dễ dàng liên kết với khối nghị sĩ quân đội để thành lập nhóm nghị sĩ đa số kiểm soát Quốc hội mới.
Nhiều quan sát ghi nhận 10 ngày trước bầu cử đảng cầm quyền có vẻ như rất tự tin, không tỏ ra vội vã, trong khi đó lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi phải đôn đáo đi khắp nước để vận động tranh cử. Có lẽ, tính bất cân xứng ngay từ đầu trong quy định của Hiến pháp đã là một nguyên nhân dẫn đến hai lối tranh cử hoàn toàn khác nhau này.
Về cuộc bầu cử lịch sử tại Miến Điện, RFI có hai chương trình đáng chú ý. Thứ nhất là cuộc tạo đàm Thảo luận Địa chính trị, với sự tham gia của một số chuyên gia, giới chức, với chủ đề « Miến Điện : một cuộc bỏ phiếu lịch sử ? », và thứ hai là phóng sự tại bang Arakan, nơi lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đến vận động tranh cử, cũng là nơi số phận bi thảm của người Rohingya theo đạo Hồi được cộng đồng quốc tế hết sức chú ý.  Phóng sự mang tiêu đề : « Bầu cử Miến Điện : Aung San Suu Kyi không còn nói đến hòa bình ».
Chính quyền lo ngại tình hình vượt tầm kiểm soát
Về ý nghĩa của cuộc bầu cử này, bên cạnh những bất lợi của đối lập, bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (Ifri) (mục « Thảo luận Địa chính trị »), nhận xét :
« Có một xu thế cứng rắn hơn ở phía chính quyền. Các cựu quân nhân lo sợ tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát của họ. Tôi được biết, cách nay ít tuần, chính quyền Miến Điện đã đưa ra quyết định hủy bỏ cuộc bầu cử, sự việc này rất ít được báo chí Phương Tây bình luận. Quyết định nói trên bị thu hồi trong vòng 24 giờ. Một làn sóng phản đối từ các mạng xã hội mạnh mẽ là nguyên nhân của việc này.
Điều này cho thấy sự lo ngại rất lớn không chỉ trong nội bộ đảng cầm quyền, đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), mà cả trong nội bộ quân đội. Quân đội không phải là một lực lượng thuần nhất : có những sĩ quan sẽ bỏ phiếu ủng hộ các cải cách, ngược lại, nhiều người khác kiên quyết bám giữ quyền lực. Bởi vì những người bám giữ này hiểu rằng, xét cho cùng, chính quyền lực của họ hiện nay, cùng vô số đặc quyền của họ trong nhiều lĩnh vực sẽ bị thách thức.
Vì những lý do trên, cuộc bầu cử này là hết sức nhạy cảm, hết sức phức tạp, không chỉ là một cuộc bầu cử vì dân chủ hay chống lại dân chủ tại Miến Điện. Mà cuộc bầu cử này còn sắp xếp lại các vai trò và vị thế của các lực lượng chính trị tại Miến Điện ».
Nhận xét của chuyên gia viện Ifri tương ứng với một động thái ngày thứ Ba, 03/11, của chính quyền Thein Sein, khi công bố một đoạn video trên trang Facebook của Tổng thống Miến Điện, cảnh báo nguy cơ của một cuộc cách mạng theo kiểu « Mùa xuân Ả Rập ». Trả lời AFP, ông Zaw Htay, người phát ngôn của Tổng thống Miến Điện, cho biết : chính quyền muốn giải thích với dân chúng là quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Miến Điện cần phải được thực hiện « từng bước một ».
Thế nào là chuyển tiếp « từng bước một » theo quan điểm của giới cựu quân nhân ?
Những diễn biến liên quan đến số phận của Chủ tịch Hạ viện, nguyên Chủ tịch đảng cầm quyền USDP Shwe Mann, cho thấy điều này. Ông Shwe Mann – người từng có ý định ra ứng cử Tổng thống Miến Điện – đã bị Tổng thống mãn nhiệm Thein Sein dùng vũ lực phế truất khỏi cương vị Chủ tịch đảng USDP hồi tháng 8. Theo báo chí Miến Điện, vào thời điểm đó, ông Shwe Mann và các cộng sự đã chuẩn bị một bản tuyên bố (177 trang), với nhiều đề nghị cải cách triệt để ngành cảnh sát, theo hướng tách khỏi Quân đội (Tatmadaw). Bản tuyên bố cũng dự báo đảng USDP có thể thất bại thảm hại trong cuộc Tổng tuyển cử. Ông Shwe Mann vốn là người đồng quan điểm của Aung San Suu Kyi, chống đặc quyền của Quân đội kiểm soát 25% ghế Quốc hội. Ông Shwe Mann từng tuyên bố, sau bầu cử, do thắng thua thế nào, USDP cũng sẽ hợp tác với đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ « vì lợi ích của dân tộc », trong đó Quân đội có vai trò quan trọng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm 30/10/2015, Chủ tịch Hạ viện Shwe Mann tuyên bố vẫn tiếp tục ra ứng cử Quốc hội với tư cách đảng viên đảng USDP, và không loại trừ khả năng ra ứng cử Tổng thống sau đó.
Quy định bất công, gian lận, kích động bạo lực
Khởi đầu với sự ra đời năm 2011 của chính quyền dân sự của các cựu quân nhân, do Tổng thống Thein Sein đứng đầu, các cải cách dân chủ tại Miến Điện trong thời gian gần đây có nguy cơ chững lại, với nhiều bế tắc vô cùng nan giải, đặc biệt là các xung đột sắc tộc – tôn giáo. Ngay trong lĩnh vực xã hội, hàng chục sinh viên bị giam từ nhiều tháng nay, chỉ vì biểu tình ôn hòa đòi cải cách giáo dục, khiến giới bảo vệ nhân quyền rất lo ngại.
Cuộc bầu cử Quốc hội chịu tác động của tình hình chung, đây là thời điểm mà các căng thẳng vốn có dâng cao. Mặt khác, các căng thẳng sắc tộc, tôn giáo, tham nhũng, vấn đề lũ lụt tại một số địa phương, tính chất thiếu minh bạch của Ủy ban bầu cử Quốc gia là những yếu tố có thể được sử dụng để mang lại nhiều lợi thế cho các đảng thân chính quyền.
Ban giám sát của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ghi nhận có từ 30 đến 80% dữ liệu tại một số đơn vị bỏ phiếu được kiểm tra là sai lạc (ví dụ : người chết, người vị thành niên vẫn có trong danh sách, nhiều cử tri không được đưa vào…) (theo trang Info Miến Điện).
Gần sát ngày bầu cử, chính quyền mới ký được một thỏa thuận hưu chiến toàn quốc với hơn mười nhóm sắc tộc chính, trong khi đó chiến sự vẫn tiếp diễn với một số nhóm khác. Nhiều tổ chức dân sự cáo buộc quân đội đã cố tình sử dụng xung đột với các sắc tộc để cản trở bầu cử, bởi những vùng có liên quan thường là những nơi mà các đảng thân chính quyền rất ít có khả năng thắng cử.
Nhìn chung, khoảng 10% cử tri Miến Điện không được đi bầu đợt này (theo phóng viên Rémy Favre, ngày 28/10/2015), bên cạnh khoảng 2 triệu cư dân hải ngoại, khoảng từ 500.000 đến 800.000 người Rohingya, là hàng chục nghìn người thiểu số sống tại các khu vực có chiến sự. Một quy định khiến các cộng đồng thiểu số lo ngại là : nếu tỷ lệ cử tri tham gia dưới 51%, thì kết quả của toàn bộ khu vực bị hủy bỏ. Thậm chí, trang mạng Info Miến Điện, dẫn lời Chủ tịch nhóm nghị sĩ ASEAN vì nhân quyền Charles Santiago, lo ngại có thể khoảng 20% cử tri Miến Điện không đi bỏ phiếu, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính hợp thức của cuộc bầu cử quốc gia.
Ông Jean Hourcade, cựu tham tán văn hóa và hợp tác Đại sứ quán Pháp tại Miến Điện (mục « Thảo luận Địa chính trị ») cho biết một số nhận xét về tính chất của cuộc bầu cử đặc biệt này đối với đảng đối lập :
« Cuộc bầu cử có rất nhiều bất trắc với một số lý do sau đây. Nhiều cử tri ủng hộ các đảng phái của người dân tộc thiểu số sẽ khiến cho bà Aung San Suu Kyi bị mất điểm.
Mặt khác, uy tín của Aung San Suu Kyi ngay trong bản thân lực lượng của bà cũng bị xói mòn trong những năm gần đây, do việc bà ấy hoặc bắt buộc, hoặc chủ động, tiếp cận với chính phủ xuất thân quân sự của Tổng thống Thein Sein, để cho thấy bà sẵn sàng đi về phía trước. Mà, một số người có quan điểm triệt để trong đảng của Aung San Suu Kyi thì cho rằng, làm như vậy, lãnh đạo của mình đã bị vấy bùn.
Mặt khác, với bi kịch người Rohingya (…) nhóm các sư tăng cực đoan có cơ hội cáo buộc Aung San Suu Kyi đã không đủ triệt để chống lại cộng đồng Rohingya. Và như vậy, nhóm này đã truyền đi một thông điệp là cánh quân nhân mới là thế lực cứng rắn, Aung San Suu Kyi chưa chắc đã làm được như vậy. Điều này cũng khiến cho Aung San Suu Kyi mất đi một phần cử tri nữa ».
Vẫn theo ông Chủ tịch nhóm nghị sĩ ASEAN vì nhân quyền Charles Santiago, chính quyền Miến Điện dường như đã tham gia vào « một cuộc chơi nguy hiểm » khi dựa vào « các tình cảm bài ngoại, phân biệt chủng tộc, và dân tộc chủ nghĩa để phục vụ cho lợi ích chính trị riêng ». Tổ chức Phật giáo cực đoan Ma Ba Tha kêu gọi công khai dân chúng đi bầu, với một tinh thần dân tộc chủ nghĩa, là một điều chắc chắn có lợi cho đảng cầm quyền của các cựu quân nhân.
DR
Ứng cử viên Hồi giáo đảng đối lập chấp nhận lùi bước
Trong bối cảnh căng thẳng tôn giáo dâng cao, nhà báo Rémy Favre, RFI, chứng kiến một hiện tượng hy hữu, khi tất cả các ứng cử viên theo đạo Hồi thuộc đảng đối lập chấp nhận ra khỏi danh sách ứng cử, theo chủ trương của lãnh đạo Aung San Suu Kyi :
« Một hiện tượng lạ lùng là : Aung San Suu Kyi đã loại trừ tất cả những người theo đạo Hồi ra khỏi danh sách ứng cử viên của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, để không chuốc lấy các tấn công từ phía giới sư sãi cực đoan.
Đảng đối lập giải thích rằng các đảng viên theo đạo Hồi đã chấp nhận và thông cảm với quyết định này. Tôi đã gặp một người bị loại ra khỏi danh sách như vậy, người này vẫn tiếp tục tham gia đóng góp trong chương trình tranh cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bất chấp sự ‘‘bất công’’ này. Các ứng cử viên bị phế truất không trách cứ, vì đối với họ Aung San Suu Kyi là người duy nhất có khả năng thay thế giới quân sự, đã thống trị chính trường Miến Điện từ nửa thế kỷ nay. Không ai trông đợi biểu tượng hòa bình Aung San Suu Kyi, nhà dân chủ, giải Nobel Hòa bình năm 1991 có một quyết định như vậy.
Sự thật trần trụi là thế, nhưng lãnh đạo đối lập cũng tự nhận trách nhiệm về phần mình. Thay vì mang tư cách một biểu tượng của hòa bình, như truyền thông quốc tế thường ca ngợi, Aung San Suu Kyi tự nhận mình trước hết là một nhà chính trị, hoạt động trong một đấu trường chính trị, với tất cả những thỏa hiệp cần có, với hệ quả có thể là những điều không được hay ». (Nhà báo Rémy Favre cho biết thêm, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi đã im lặng, bất chấp ông nhiều lần đề nghị phỏng vấn).
Tính chất cứng rắn khác thường của nhà lãnh đạo đối lập là điều được nhiều nhà quan sát ghi nhận, trong một bối cảnh mà nhà báo, nhà Hán học Joris Zylberman, tổng biên tập báo mạng Asialys chuyên về Châu Á nhìn nhận là rất mong manh, dễ đổ vỡ như « đi trên trứng ».
Nhiều người đặt câu hỏi về tính cách độc đoán của Aung San Suu Kyi, khi bà không nêu ra một chủ trương rõ ràng về giai đoạn hậu bầu cử, sau tuyên bố mới đây của lãnh đạo đối lập về khả năng chắc chắn sẽ lãnh đạo chính phủ, nhưng không nói rõ bằng cách nào [Aung San Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống, do Hiến pháp không cho phép, và tại Miến Điện cũng không có chức Thủ tướng].
Cầm quyền trước, "nhân quyền" sau
Về cách hành xử không coi là cấp thiết việc bảo vệ các quyền căn bản của con người, đang bị xâm phạm nghiêm trọng, như trường hợp người Rohingya bị kỳ thị, truy bức, các nhóm thiểu số bị quân đội tấn công của lãnh đạo đối lập, Tiến sĩ quan hệ quốc tế Khin Ma Ma Myo, Giám đốc Viện nghiên cứu Hòa bình và An ninh (Myanmar Institute of Peace and Security Studies) (Phóng sự về chặng tranh cử tại bang Arakan) giải thích :
« Tôi cho rằng bà ấy đi theo một lịch trình. Hiện tại mục tiêu của bà là nắm được quyền lực, và sau đó sẽ hành động cho hòa bình. Aung San Suu Kyi đã nhiều lần bị lên án là phá hoại dân tộc, liên kết với người theo đạo Hồi. Không khí hiện nay đe dọa con đường chiếm lĩnh quyền lực của bà ấy. Như vậy, Aung San Suu Kyi phải chọn cách im lặng về một số chủ đề, trong một khoảng thời gian nhất định. Sự chiến thắng của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ là quan trọng hơn sự chiến thắng của các tư tưởng riêng của Aung San Suu Kyi.
Cho dù người Miến Điện đã chiến đấu cho nền dân chủ và nhân quyền, nhưng tôi cho rằng có rất ít người hiểu được thực sự dân chủ là gì, nhân quyền là gì. Ngay cả đối với những người tranh đấu cho dân chủ trước đây, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vẫn ảnh hưởng đến họ. Các giá trị Miến Điện và Châu Á là những điều được phổ biến sâu rộng, thay vì các giá trị mang tính toàn nhân loại. Để có được sự ủng hộ của đa số dân chúng, thật khó khi mà chỉ khư khư với việc bảo vệ nhân quyền, thể hiện như là người bảo vệ nhân quyền.
Có một sự chia cách rất lớn giữa Aung San Suu Kyi và cử tri Miến Điện. Chiến lược của Aung San Suu Kyi là không đối đầu với tư tưởng dân tộc chủ nghĩa. Lãnh đạo đối lập bị kẹt giữa các giá trị phổ quát toàn nhân loại, và các giá trị dân tộc chủ nghĩa. Chiến lược của bà trước hết là giáo dục ».
Trong khi đó, một cử tri theo đạo Phật tại bang Arakhan có mặt tại buổi diễn thuyết của nhà đối lập bày tỏ quan niệm riêng :
« Kể từ độc lập đến nay, chúng tôi không có tự do, đảng cầm quyền USDP và chính quyền Tổng thống Thein Sein không đại diện cho chúng tôi. Họ hành động vì lợi ích của riêng mình, lo làm giàu cho chính mình. Cách thức duy nhất để có được một sự thay đổi thực sự trên đất nước chúng ta đó là việc Mẹ Suu vào được chính quyền.
Nhân dân chúng tôi tin tưởng vào Mẹ Suu. Tôi tin tưởng vào bà ấy. Tất cả nhân dân tin tưởng vào bà ấy. Lý do đơn giản là : quân đội lãnh đạo đất nước này từ rất lâu rồi, hiện nay họ để quân phục sang một bên, nhưng vẫn tiếp tục nắm quyền trong chính phủ Thein Sein. Hãy nhìn thẳng vào sự thật này và gọi sự vật bằng đúng tên của nó ».
Thế mạnh của đảng cầm quyền và hậu thuẫn Trung Quốc
Tạp chí tiêu điểm thời sự về cuộc Tổng tuyển cử lịch sự tại Miến Điện xin khép lại với hai nhận định về lợi thế hết sức căn bản của đảng cầm quyền thân quân đội. Nhận định thứ nhất của nhà báo Rémy Favre :
« Một khó khăn khác với Aung San Suu Kyi là đảng đối thủ Liên hiệp Đoàn kết và Phát triển của giới quân sự, có được một lợi thế đáng kể, đó là đảng cầm quyền đã mang lại sự thay đổi, với các thay đổi theo hướng dân chủ, kể từ năm 2012, tạo được công ăn việc làm. Tất cả những điều này không phải là do công lao của Aung San Suu Kyi ».
Trong khi đó, chuyên gia về Đông Nam Á Sophie Boisseau du Rocher gắn lợi thế của chính quyền Thein Sein và tập đoàn quân sự với những ảnh hưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc theo dòng lịch sử. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này không phải là tuyệt đối bởi sự hội nhập với Phương Tây và Đông Nam Á đã bắt đầu hóa giải nhiều sự phụ thuộc nặng nề của Miến Điện vào Trung Quốc trước đây :
« Tôi cho là cần phải nhắc lại rằng, suốt trong thời gian chính quyền quân sự nắm quyền, Trung Quốc là đối tác số một của Miến Điện, vượt hẳn các nước khác. Chính quyền Miến Điện đã ‘‘bán đứng’’ quốc gia này cho nước trả giá cao nhất : Trung Quốc. Quân đội Miến Điện được huấn luyện tại Trung Quốc, được trang bị vũ khí của Trung Quốc.
Kể từ khi hội nhập vào ASEAN năm 1997, chính quyền Miến Điện hiểu rằng nước mình bị chậm trễ về kinh tế, bị phụ thuộc rất nặng nề vào Trung Quốc. Miến Điện thực sự hội nhập vào ASEAN từ đầu những năm 2000. Cũng chính từ đầu những năm 2000 (cụ thể là từ 2000 đến 2003) mà quá trình chuyển hóa chính trị của Miến Điện được quyết định, đồng thời với việc xích gần lại với Hoa Kỳ. Điều đáng ghi nhận là sự phối hợp trong giai đoạn chuyển tiếp của chính quyền Mỹ : Quan hệ Hoa Kỳ - Miến Điện cải thiện vào cuối thời Bush, và khởi đầu nhiệm kỳ Obama. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đến Miến Điện ngay từ 2008-2009. Rõ ràng ở đây chúng ta thấy có một nỗ lực để đưa Miến Điện về tình trạng cân bằng hơn, đưa Miến Điện tham gia vào cuộc chơi mở của khu vực Đông Nam Á.
Đây là một thành công của chính quyền Obama, tuy nhiên đây không phải là một thành công trọn vẹn, vì cũng giống như các nơi khác tại Đông Nam Á, Trung Quốc có rất nhiều lá bài. Với những lợi ích chiến lược như đường ống dẫn khí đốt chiến lược xuyên qua Miến Điện chẳng hạn, Trung Quốc sẽ không thể để Miến Điện rơi vào quỹ đạo của Hoa Kỳ.
Như vậy, có một cuộc chơi chằng chéo rất phức tạp ở đây, giữa một bên là những điều mà người ta cam kết với Phương Tây, đặc biệt là thể thức dân chủ, và bên kia là những lợi ích rất thiết thân không thể đem ra thương lượng được.
Điều khiến tôi lo ngại là tình thế hiện nay hoàn toàn bị thao túng bởi các lợi ích kinh tế và tài chính. Trung Quốc hiện vẫn là khách mua hàng số một, nhà cung cấp hàng số một của Miến Điện, vượt rất xa các đối tác khác. Nhật Bản bắt đầu nhập cuộc trở lại, đặc biệt thông qua Ngân hàng phát triển Châu Á. Hiện nay có một sự cạnh tranh rất lớn giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trong việc cấp cho Miến Điện các khoản tín dụng với lãi suất rất có lợi, nhằm giúp cho việc phát triển các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng…, điều kiện cho sự phát triển kinh tế. Sự đối đầu Trung – Nhật tại Miến Điện là rõ ràng, và nhìn chung Hoa Kỳ và Châu Âu có xu hướng tương đối lùi xa khỏi cuộc chơi mang tính Châu Á tại đây ».

Miến Điện: Aung San Suu Kyi sẵn sàng đóng vai ‘Thái thượng hoàng’

media
Bà Aung San Suu Kyi trả lời báo chí tại Rangoon ngày 5/11/2015.EUTERS/Soe Zeya Tun
Cách cuộc bầu cử 3 ngày, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay, 05/11/2015, tuyên bố sẵn sàng lãnh đạo chính phủ nếu đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ LND thắng cử. Bà vẫn sẽ lãnh đạo cho dù có bị gạt ra ngoài chiếc ghế tổng thống.
Trên nguyên tắc cuộc tổng tuyển cử vào ngày mùng 8/11 là một đỉnh cao hoàn thành tiến trình chuyển tiếp qua dân chử bắt đầu từ năm 2011 tại Miến Điện.
Nhưng theo quy định của Hiến Pháp, bà Aung San Suu Kyi không thể tranh chiếc ghế tổng thống vì có chồng và con cái là người nước ngoài, cụ thể là quốc tịch Anh. Chồng của bà Michael Aris, người Anh, đã qua đời từ 15 năm nay.
Phát biểu trước báo chí tại Rangoon, lãnh tụ đối lập nói rất rõ : « Tôi sẽ đứng ở bên trên cương vị tổng thống ». Bà Aung San Suu Kyi nói thêm : « Đây là một thông điệp rất đơn giản. Hiến pháp không có nói gì về một chức vụ bên trên tổng thống ».
Trả lời báo chí bà Aung San Suu Kyi đã nêu bật các hành vi sai trái, gian lận trong cuộc vận động tranh cứ và đến giờ theo bà, cuộc vận động cho thấy bầu cử không tự do và công bằng.
Đảng LND được cho là sẽ thắng một cách vững chắc vào Chủ nhật này.
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List