Tập Cận Bình
đang cưỡi cọp
Ngô Nhân Dụng
Những hành động hung hăng của cộng sản Trung Quốc trong vùng Biển Đông
nước ta nhắm khích động tự ái quốc gia của dân lục địa, trong khi Tập Cận Bình
đang tìm cách củng cố uy thế và quyền hành cá nhân.
Ngày hôm qua, Thứ Sáu 19
tháng Hai năm 2016, Tập Cận Bình đã được Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan, 刘云山), người đứng đầu bộ máy tuyên truyền trong Bộ Chính Trị, dẫn đi
thăm báo Nhân Dân, đài truyền hình Trung Ương, và Tân Hoa Xã. Mỗi nơi này đều
trương khẩu hiệu “Tuyệt đối Trung thành.”
Gần đây, Tập Cận Bình vận dụng tối đa bộ máy tuyên truyền để tăng
uy thế trong lúc cố dẹp tan những thành phần đối kháng. Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch
Dân chưa bao giờ làm lộ liễu như vậy. Báo, đài Trung Cộng đã suy tôn Tập là
“hạt nhân cốt lõi” của lãnh đạo; kêu gọi quân đội và quan chức phải “tuyệt đối
trung thành” với “Đảng,” tức là với họ Tập. Tháng 12 năm ngoái, Tập đã tới thăm
báo Quân Đội Nhân Dân, trước khi công bố kế hoạch đại cải tổ quân đội, sa thải
300 ngàn người. Tin tức tiết lộ về phiên họp Bộ Chính Trị vào cuối tháng 12 năm
2015 kể rằng Tập Cận Bình đã yêu cầu “Các thành viên Bộ Chính Trị tuân thủ
đường lối của Trung Ương và trung thành với Đảng.”
Trong ba năm nắm quyền, Tập Cận Bình dần dần nắm đầu tất cả các
ngành trong bộ máy cầm quyền: Đảng, Quân Ủy trung ương, Bẩy ủy ban đặc trách các
vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, vân vân. Kể từ thời Mao Trạch Đông, chưa
có lãnh tụ Trung Cộng nào uy quyền lớn như vậy, kể cả Đặng Tiểu Bình. Tân Hoa
Xã mới nhắc lại câu của Mao Trạch Đông: “Trong đảng, trong nhà nước, trong quân
đội, trong nhân dân, cả bốn phía đông, tây, nam, bắc và ở giữa, tất cả phải đặt
dưới sự lãnh đạo của Đảng.”
Trong một tháng qua, một nửa lãnh tụ ở các tỉnh đã công khai thề
“tự nguyện trung thành bảo vệ chính sách căn cốt của Tổng bí thư Tập Cận Bình!”
Đây là một hiện tượng hiếm hoi, từ những năm sau cùng của Mao Trạch Đông bây
giờ mới lại thấy.
Tin tức trong cuộc họp mật của Bộ Chính Trị mà lại tiết lộ là điều
hiếm khi xẩy ra, chứng tỏ thế lực của Tập Cận Bình chưa vững, vẫn cần đề cao uy
thế cá nhân. Dùng guồng máy tuyên truyền để củng cố uy quyền cho thấy Tập Cận
Bình biết mình đang ngồi trên lưng cọp, không biết lúc nào có thể ngã rồi bị
cọp ăn thịt. Con cọp đó là kế hoạch cải tổ cơ cấu kinh tế.
Trung Cộng biết cần phải thay đổi. Nếu không thì kinh tế sẽ ngày
càng lụn bại sau khi đã vận dụng đã hết khả năng của các chính sách cũ: Chú trọng
đến tỷ lệ tăng trưởng cao; đặt trọng tâm vào xuất cảng, đổ tiền đầu tư vào xây
dựng, ngân hàng nhà nước nuôi dưỡng các xí nghiệp quốc doanh. Hai năm nay họ đã
chấp nhận tỷ lệ tăng trưởng thấp; tìm cách hướng vào tiêu thụ nội địa; giảm bớt
vai trò nhà nước để thị trường quyết định nhiều hơn. Việc cải tổ chắc chắn bị
các cán bộ từ trên xuống dưới cản trở và chống đối ngầm, vì đụng tới những
quyền lợi họ đang được hưởng. Vì thế, Tập Cận Bình cần phải thâu tóm quyền
hành, dẹp hết các phe nhóm trong đảng có khả năng thay thế mình, dọa các cán bộ
còn lại bằng cái máy chém “chống tham nhũng.” Cần phải “thống nhất sơn hà” mới có
thể tiến hành một chương trình cải tổ chắc chắn sẽ gây nhiều xáo trộn.
Đó là một “thế cưỡi cọp.” Nếu việc cải tổ sẽ tiến hành chậm và có
lúc vấp ngã, con cọp sẽ lồng lên, hất thằng cưỡi cọp xuống. Mà công việc chuyển
hướng cơ cấu kinh tế không thể tiên đoán sẽ gây ra những hậu quả như thế nào.
Tỷ lệ tăng trưởng đã xuống 6.9%, thấp nhất trong một phần tư thế kỷ (Trong thực
tế, con số đúng là 3% đến 4%).
Trong năm 2015 uy tín Cộng sản Trung Quốc xuống rất thấp, ở trong nước
cũng như bên ngoài, vì mấy lần đổ hàng tỉ đô la cố nâng giá thị trường chứng
khoán nhưng thất bại. Việc phá giá đồng nguyên vụng về trong cùng thời gian đó
khiến thị trường càng mất tin tưởng.
Một hình ảnh tiêu biểu cho cái lưng con cọp bấp bênh là chính sách
tiền tệ của tập đoàn lãnh đạo. Hiện nay, họ đang lo lắng trước mối đe dọa
“giảm phát” (deflation), khi các nhà sản xuất và bán hàng hạ giá đồng loạt để
cạnh tranh. Giá cả xuống sẽ khiến người tiêu thụ ngưng mua hàng, để chờ giá
xuống thêm; nhà sản xuất thấy khó bán hàng sẽ hạ giá xuống nhiều hơn; tạo một
cái vòng luẩn quẩn.
Để giữ mức lạm phát không xuống quá thấp, Ngân hàng trung ương ở
Bắc Kinh (tên chính thức là Nhân Dân Ngân Hàng) đã in thêm tiền. Số tiền tệ lưu
hành gia tăng 14% một năm, gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chính thức. Họ
theo đúng từng chữ trong “sách vỡ lòng” kinh tế học: Khi nhiều đồng tiền cùng
đuổi theo một số hàng hóa thì giá cả sẽ tăng. Giá tăng, sẽ không lo giảm phát.
Nhưng đây có phải là cách điều hành kinh tế đúng nhất hay không?
Nếu ở trên đời này cứ việc in thêm thật nhiều tiền, mà đồng tiền vẫn giữ nguyên
được giá trị, thì người ta có thể biến thế giới này thành cõi thiên đường rồi!
Muốn giữ giá trị đồng tiền, Nhân Dân Ngân Hàng lại đem đô la Mỹ ra
mua đồng nguyên, thu bớt tiền nội địa vào. Thế ra họ vừa in thêm tiền, vừa đổ
đô la ra mua, thu lại các đồng tiền đó. Một nhà phân tích đầu tư đã ví
hai hoạt động đồng thời này giống như một người vừa uống thuốc aspirin vừa uống
rượu whiskey!
Đồng nguyên mất giá vì chính người dân Tàu không tin tưởng vào
đồng bạc của mình. Tức là không tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của guồng máy đảng
và nhà nước. Nhiều người đã đổi đồng nguyên lấy đô la để đưa ra nước ngoài,
theo nhiều ngả. Trong tháng Giêng vừa qua, số ngoại tệ dự trữ của Ngân hàng
trung ương đã giảm bớt 100 tỷ đô la; sau khi đã giảm 108 tỷ trong tháng 12,
2015. Số ngoại tệ dự trữ gần 4,000 tỷ nay chỉ còn 3,200 tỷ đô la. Con số chênh
lệch lớn hơn cả ngân sách quốc phòng của chính phủ Mỹ trong năm tới (600 tỷ)!
Cũng trong ngày hôm qua, 19 tháng Hai, bản báo cáo hàng tháng của Ngân
hàng trung ương mới công bố đã làm cả thị trường thế giới kinh ngạc, vì nó
thiếu hẳn mục tổng số ngoại tệ mua bán trong tháng Giêng vừa qua. Họ chỉ cho
biết con số mua bán của riêng ngân hàng trung ương mà không nói đến các cơ sở
tài chánh kinh tế khác, như thường lệ.
Giới đầu tư chắc chắn sẽ tìm ra các con
số bị bỏ sót, nhưng người ta tự hỏi tại sao Nhân Dân Ngân Hàng lại cố ý bỏ sót
như vậy? Một lý do dễ đoán là chính quyền muốn che giấu số đô la được chuyển ra
nước ngoài; một phong trào phát động mạnh từ tháng Tám năm ngoái, khi thị
trường chứng khoán sụp đổ hai lần liên tiếp.
Trong khi đó, thế giới vẫn đang chờ coi bao giờ thì “quả bom nợ” Trung
Quốc sẽ bùng nổ. Riêng số nợ “khó đòi” đã lên tới 5 ngàn tỷ mỹ kim, tương đương
với một nửa tổng sản lượng nội địa tạo ra trong một năm.
Thế giới phải lo lắng
vì nếu hệ thống ngân hàng Trung Quốc sụp đổ vì các món nợ khó đòi thì ảnh hưởng
dây chuyền sẽ kéo theo tất cả các nước đang buôn bán với Trung Quốc, tức là
không nước nào thoát nạn!
Cho nên Tập Cận Bình phải tìm cách bảo đảm chỗ ngồi của mình còn
vững dù ngồi trên lưng cọp! Trong hơn một năm nữa, Đại hội Đảng kỳ thứ 19 sẽ diễn
ra, Tập Cận Bình phải xếp đặt ngay từ bây giờ. Trong đại hội sắp tới, năm trong
số bảy người Thường Vụ Bộ Chính Trị sẽ đến tuổi phải nghỉ, chỉ Tập và Thủ tướng
Lý Khắc Cường được miễn. Trong số 25 người thuộc Bộ Chính Trị, còn sáu người
khác sẽ phải về hưu vì quá 68 tuổi. Trong số 12 người còn lại, cuộc chạy đua
vào Thường Vụ sẽ rất gay go. Chưa hết, 250 người thuộc Trung Ương Đảng cũng
chạy đua vào Bộ Chính Trị.
Vì vậy, từ năm ngoái Tập Cận Bình đã nâng cao các “con gà” của
mình để chuẩn bị chiếm chỗ trong hai cơ quan đầu não của đảng cộng sản. Năm 2015,
họ Tập cho chánh văn phòng của mình là Lật Chiến Thư (Li Zhanshu, 栗战书) bay qua gặp Putin ở Matxcơva, mặc dầu ông này không có vai trò ngoại
giao nào, trong đảng cũng như nhà nước. Trong tháng Giêng năm nay, một phụ tá
khác của họ Tập là Lưu Hạc (Liu He,刘鹤) đã điện thoại với bộ
trưởng Tài chánh Mỹ bàn chuyện giao thương, qua mặt Phó thủ tướng Uông Dương (Wang Yang, 汪洋), một người cấp bậc cao hơn. Lưu Vân Sơn, trưởng
ban tuyên giáo, cũng là người đang được Tập Cận Bình nâng đỡ để chuẩn bị lên
các cấp bậc cao hơn sau này.
Lưu Vân Sơn lo việc “tung hô vạn tuế” đẩy ngôi sao Tập Cận Bình
trong các năm tới để nếu công việc cải tổ cơ cấu kinh tế có vấp ngã thì họ Tập
vẫn ngồi vững trên lưng cọp, chờ cho tai qua nạn khỏi. Tất cả chiến dịch tô son
vẽ phấn cho Tập Cận Bình chứng tỏ họ Tập chưa cảm thấy địa vị an toàn.
Tuy đang
nắm nhiều quyền hành trong tay, vượt qua cả Hồ Cẩm Đào lẫn Giang Trạch Dân, ít
nhất ngang với Đặng Tiểu Bình, nhưng Tập Cận Bình vẫn còn lo dùng bộ máy tuyên
truyền để củng cố địa vị. Nếu thực sự an tâm về chỗ ngồi của mình, chắc họ Tập
sẽ dành hết thời giờ và năng lực để thúc đẩy cho việc cải tổ cơ cấu kinh tế
tiến tới. Con cọp này quả thật khó điều khiển!
N. N. D.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment