Tôi muốn được đặt chân tới Mỹ!
Đó là tựa đề bức
thư của một bạn trẻ tên Nguyên Giang (30 tuổi), viết từ Sài Gòn, tôi đọc được
trên “net” do một người bạn gởi (đính kèm). Nội dung bức thư nầy,
ngoài “ước mơ cháy bỏng” được đến Mỹ để “tìm hiểu về nền văn
hoá, chính trị, giáo dục, kinh tế của nước này”, tác giả còn có nhiều câu hỏi
nhờ các bậc chú bác ở Mỹ giải thích.
Tưởng
mọi chuyện đã chìm vào quá khứ sau mấy thập niên qua Mỹ, nhưng bức thư đã gợi
hứng để tôi viết bài này gọi là tâm tình với bạn Nguyên Giang cũng như người
Việt Nam trong nước.
Trước hết, bạn Nguyên Giang hỏi: “Vì sao đồng bào tôi có
mặt ở đây! Và sự ra đi này kéo dài hơn một thế hệ rồi, mà đến bây giờ hằng ngày
đi ngang qua Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn lũ lượt người chờ đợi một tấm vé
đặt chân vào Mỹ! Dù đất nước Việt Nam tôi im tiếng súng đã lâu…”.
Người Việt đến
định cư tại Mỹ gồm nhiều thành phần khác nhau, bằng nhiều con đường khác nhau. Từ
vượt biên, vượt biển, đoàn tụ, con lai…cho đến chương trình HO, phần lớn ra đi
vì một mục đích duy nhất: Tránh sự bức hại của cộng sản! Đến nay,
sau 41 năm, chiến tranh đã hết nhưng nhiều người Việt Nam còn muốn ra đi vì vẫn
thấy “khó thở” với nhà cầm quyền hiện nay. Chế độ CSVN, dù đã
thay đổi phần nào, dù có sơn phết dưới bất cứ một màu sắc hoa hoè nào, họ vẫn
là một chế độ độc tài, sắt máu và phi dân tộc.
Một ngày năm bốn (54) cha bỏ quê ta
Chôn đã chôn sâu cắt rốn bao nhiêu đời
…………………………………………………………..
Một ngày 75 con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ…
(1954-1975 cha bỏ quê, con bỏ nước/Phạm Duy)
Đó là thảm cảnh của người Việt Nam từ ngày có cộng sản. Trong
lịch sử dân tộc, chưa bao giờ người Việt Nam lại bất chấp tất cả, từ mạng sống
đến nhà cửa ruộng vườn, quê hương làng xóm… để ồ ạt ra đi như mấy thập niên vừa
qua. Dù sinh sau ngày Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam nhưng với thực
tế trước mắt, với dư luận rộng rãi từ quần chúng và truyền thông, lý nào bạn
Nguyên Giang không biết như thế?!
Người Việt đến định cư tại Mỹ như tôi khá đông. Và
khi đến Mỹ, chúng tôi coi như được “tái sinh” vào một cõi đời mới, rộng mở và
tự do!
Vào khoảng tháng
5 năm 1990, sau thời gian chờ đợi và hoàn tất mọi thủ tục, gia đình tôi chuẩn
bị rời Việt Nam để đi Mỹ. Buổi sáng hôm ấy, ngồi đợi chuyến bay tại phi
trường Tân Sơn Nhất chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp tìm được
tự do, lo vì biết đâu sẽ có thay đổi vào phút chót. Dưới chế độ cộng
sản chuyện gì cũng có thể xẩy ra. Đã có người vào đến phi trường
liền bị đuổi lui. Lại có kẻ “khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt” khi bị chặn
tại chân cầu thang máy bay vào phút cuối! Biết có những trường hợp
như thế, chúng tôi rất hồi hộp và bất an tuy đã được vào “phòng cách ly” đợi
giờ lên máy bay. Khi đã ngồi trên máy bay trực chỉ Thái Lan, mặc dầu
niềm vui đang tràn ngập tâm can, nhưng nỗi lo vẫn còn đó. Mãi đến
khi rời máy bay, đặt chân lên đất Thái, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm. Tôi
nói với vợ tôi: “Mình thoát rồi em ơi”!
Đó là điều mỉa mai nhưng rất thật.
Tại sao từ bỏ quê hương thân yêu và bà con ruột thịt để đến một
nơi hoàn toàn xa lạ, “tứ cố vô thân” mà lại gọi là “thoát”? Vâng,
chúng tôi không “thoát” quê cha đất tổ và bà con nội ngoại mà “thoát” chế độ
cộng sản, một chế độ ngoại lai tàn bạo và vô nhân tính. Sau khi giật
sập chế độ VNCH, CSVN ra tay đánh gục toàn bộ người miền Nam. Với
chiến dịch đánh tư sản, đổi tiền, kiểm kê tài sản…của Việt cộng, người miền Nam
trở nên trắng tay, sống trong điêu đứng và sợ hãi. Một người mỗi
hoàn cảnh khắc nghiệt và mất mát khác nhau, nhưng có điểm chung là mất tự do,
nghèo đói và gia đình tan nát. Vì là những quân nhân, công chức của
chế độ VNCH, chúng tôi chịu nhiều cay đắng và tủi nhục hơn ai cả: chồng đi tù,
vợ con nheo nhóc thiếu thốn lại bị chế độ mới kỳ thị và ức hiếp. Gần
chín năm sau, tôi ra tù, hoàn cảnh lại thê thảm hơn: thêm một miệng ăn trong
cảnh khốn khổ, vợ con bữa cháo bữa khoai. Trong thời gian “quản
chế”, hằng ngày tôi phải trình diện công an địa phương, làm tạp dịch tại
phường….
Hết “quản chế” tôi vẫn chỉ là một phó thường dân thất nghiệp
không biết làm gì để sống! Đa số chúng tôi gia nhập đội ngũ xe thồ
(xe đạp), xích lô, bốc vác trong điều kiện ăn uống thiếu thốn, sức khoẻ hao
mòn. Cuộc sống khốn khó như thế nhưng chúng tôi nào được yên thân. Hễ
có biến cố lễ lượt nào quan trọng, chúng tôi bị tập trung về công an phường hay
thành phố đề ngừa “phản động”! Từ bỏ được cuộc sống bấp bênh, nghèo
khổ và đầy đe doạ như thế, chúng tôi không mừng sao được! Tránh được
bàn tay sắt của một chế độ hà khắc như chế độ CSVN, chúng tôi thật sự đã
“thoát” cảnh địa ngục trần gian!
Khi đến được Mỹ chúng tôi thật sự được đổi đời một cách toàn
diện. Trên quê hương Việt Nam, chúng tôi bị những người cầm quyền
đồng chủng bạc đãi và thù hằn. Khi qua đến Mỹ, chúng tôi được những
người “dị chủng” tiếp đón nồng hậu, thân mật, chuẩn bị cho chúng tôi mọi thứ
chu đáo. Ở Việt Nam, mang thân cựu tù khố rách áo ôm, đi đâu chẳng ai thèm ngó,
chiếc xe đạp cà tàng không có mà đi. Qua Mỹ, năm bảy chiếc xe hơi nghênh đón
tại phi trường. Về tới nơi, nhà cửa đã có sẵn. Các hội thiện đã nhận
tiền từ chính phủ Mỹ lo thuê nhà và trang bị mọi phương tiện cho đời sống chúng
tôi, từ thực phẩm, đến chăn nệm, bàn ghế, nồi niêu soong chảo, chén bát…Từ
những kẻ “vô sản”, phút chốc chúng tôi có tất cả! Đáng phục và cảm động thay
lòng nhân đạo và sự chu đáo của người Mỹ.
Bạn Nguyên Giang viết: “Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải là
Thiên Đường không? Mà đồng bào tôi, bạn bè tôi sau khi định cư vài năm có trở
vể thăm quê, họ như một con người khác! Lịch sự, nhã nhặn! Có
kiến thức giỏi giang hơn rất nhiều!!! Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên
đôi hia bảy dặm đó?”
Dễ hiểu thôi, bạn. Người ta nói: “chế độ nào, quần
chúng đó”. Với chủ trương “hồng hơn chuyên”, chế độ CSVN đã đặt mọi
ưu tiên vào sự tuyên truyền ca tụng bác và đảng. Họ đào tạo các cấp
lãnh đạo nhà nước và trường học dựa trên ý thức chính trị đó (hồng), kiến thức
phổ thông hoặc ngành nghề chuyên môn (chuyên) chỉ là thứ yếu. Với
chủ trương như thế, làm sao người Việt Nam có kiến thức bằng người ta được? Với
cái gọi là “bạo lực cách mạng”, CSVN sẵn sàng thủ tiêu, bỏ tù, trù dập…những ai
không tuân phục họ. Họ khống chế xã hội bằng cách tạo sự nghi ngờ,
mâu thuẩn giữa các thành phần dân chúng, kể cả cha mẹ, vợ chồng, con cái trong
gia đình. Với cuộc sống rình rập, sẵn sàng để hại nhau như thế, làm
sao người Việt Nam có sự “nhã nhặn”, “lịch sự” với nhau được?
Nước Mỹ chỉ có “chuyên”, không hề có “hồng”. Họ
chuộng tự do và dân chủ, không ai có thể buộc họ phải tôn sùng bất cứ một chính
phủ hoặc một lãnh tụ nào. Tại Mỹ, mọi người bất cứ tuổi nào cũng có
thể đi học. Chính phủ khuyến học bằng cách trợ giúp tài chánh
(Finacial Aid). Rất nhiều người Việt tị nạn lúc đầu đi học cốt để
kiếm tiền, nhưng cũng nhờ đó mà tiến lên, nếu không thì kiến thức cũng được mở
rộng. Trường đại học Mỹ chỉ cung cấp kiến thức phổ thông, đào tạo
chuyên gia các ngành nghề một cách biệt lập và thấu đáo, không hề bị áp lực từ
chính quyền, không hề nhồi nhét một chủ thuyết chính trị nào. Vì
thế, người Mỹ (kể cả người Mỹ gốc Việt) “có kiến thức giỏi giang” hơn người
trong nước là điều quá dễ hiểu.
“Nhập sông tuỳ khúc, nhập gia tuỳ tục”. Dù muốn hay
không, người Việt định cư tại Mỹ cũng phải học cách sống văn minh lịch sự của
của dân bản xứ. Hồi mới qua Mỹ, gia đình tôi được người chồng Mỹ của
một chị bạn chở đi Reno chơi. Dọc đường tôi mắc tiểu nên nói với ông
ta:
“Tôi muốn đi tiểu”. Ông ta trả lời OK, OK. Tuy
OK nhưng ông ta cứ tiếp tục chạy hoài. Không thấy ông ta dừng
xe, tôi nói lại lần thứ hai, sự việc vẫn xẩy ra như thế. Tôi giận và
bực bội quá chừng nhưng đành “nín”. Mãi đến khi ông ta ghé vào một
nơi có nhà cầu (sau này tôi mới biết đó là Rest Area) ông ta mới ngừng lại để
tôi xả bầu tâm sự. Tôi cứ tưởng giữa đồi núi bạt ngàn cây thông
không có bóng người, người ta có thể đi tiểu chỗ nào cũng được!
Ở Mỹ không có
chuyện đái bậy như ở Việt Nam.
Năm 2003 vợ
chồng tôi về Việt Nam có đem theo đứa con gái út tuổi teen, nói tiếng Anh giỏi
hơn tiếng Việt. Một tối nọ chúng tôi đi taxi qua cầu Mới ở Huế, khi
vừa qua khỏi cầu con gái tôi la lên: “Dad, look. It’s yucky!
Unbelievable”! Nhìn ra cửa xe tôi thấy một người đàn ông đang đứng
đái tự nhiên bên vệ đường!
Một lần khác, cá
nhân tôi được một người Mỹ trong hội thiện nguyện chở đi Lassen Vocanic
National Park chơi (Bắc California). Khi đang lội bộ leo đồi (đồi
trọc) để đến miệng núi lửa (đã ngưng hoạt động), theo thói quen khi còn ở Việt
Nam, tôi vất tàn thuốc xuống đường. Người bảo trợ không nói gì nhưng
cúi xuống nhặt tàn thuốc của tôi lên, dụi cho tắt lửa rồi bỏ vào túi quần. Khi
đến chỗ thùng rác, ông ta lấy nó ra bỏ vào! Tôi ngượng chín người. Và
từ đó tôi buộc phải học theo lề thói văn minh sạch sẽ của người Mỹ. Ở
Mỹ không có chuyện vất rác bừa bãi như tại Việt Nam. Muốn mua đồ ăn
hay làm bất cứ một loại giấy tờ dịch vụ gì…đều phải sắp hàng, “first come first
serve”, tuyệt đối không có chuyện chen lấn giành giật cò cáp tay trong tay
ngoài như ở Việt Nam.
Đã hơn hai mươi
sáu năm ở Mỹ, vừa đi học vừa đi làm, chắc chắn tôi đã là con người khác hẳn so
với gần ba thập niên trước đây khi còn ở quê nhà. Nếu đem những lề
thói sinh hoạt của Mỹ ấy về áp dụng tại Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ trở thành
một kẻ xa lạ đối với người trong nước. Chẳng có “đôi hia bảy dặm” nào
cả, đó chỉ là sự thay đổi tự nhiên theo môi trường sống. Nhờ được
“tắm nước trong” nên chúng tôi mới sạch sẽ, nếu cứ bị “tắm nước đục” lâu nay
như người trong nước làm sao con người không lấm lem?
Chế độ CSVN là một ao nước đục mà toàn dân Việt Nam buộc phải
ngụp lặn trong đó gần cả thế kỷ, diêm dúa và mất vệ sinh là điều khó tránh. Chịu
ảnh hưởng nặng nề của CSVN, một chế độ mà sự tồn tại nhờ vào sự trí trá, bạo
lực, và tham nhũng, hiện nay người Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới về nạn bạo
hành, ăn cắp, cướp giật, buôn lậu…là điều không lạ. (Viết như thế, tôi xin lỗi
những người Việt trong nước đã vượt được hoàn cảnh, “gần bùn mà chẳng hôi tanh
mùi bùn”).
Bạn Giang “muốn
gặp những người cùng lứa tuổi tôi là Người Mỹ Gốc Việt thử xem cách xa hai nửa
bán cầu, tuổi trẻ có gì giống và khác nhau?”. Vấn đề này vừa dễ vừa
khó. Tuổi trẻ hải ngoại là một thành phần thuần nhất, đại đa số
thuộc thế hệ một rưỡi hoặc thế hệ thứ hai, con cháu của người Việt Nam di tản
thuộc thế hệ thứ nhất. Tuổi trẻ trong nước là ai? Là các
công tử đỏ? Là con cháu của các đại gia? Hoặc giới bình dân, thành
thị cũng như nông thôn? Bạn Nguyên Giang thuộc giới tuổi trẻ nào? Nếu
không phân định rạch ròi, làm sao tránh được một sự so sánh khập khễnh? Thôi,
để có thể giúp bạn Nguyên Giang có cái nhìn tổng quát, cứ coi tuổi trẻ Việt Nam
một như một thành phần duy nhất để nói chuyện.
Tuổi trẻ trong
và ngoài nước giống nhau vì họ đều là người Việt Nam, cùng máu đỏ, da vàng, tóc
đen. Dù đã là người Mỹ nhưng tuổi trẻ ở đây vẫn mang họ (last names)
Việt Nam, dù tên (first names) có thể đổi; vẫn chuộng thức ăn Việt Nam, vẫn gắn
bó với gia đình cha mẹ. Nhưng những cái giống nhau mang tính huyết
thống và hình thức ấy không bù được những khác biệt sâu sắc giữa những người
trẻ ở trong và ngoài nước.
Sự khác biệt ấy bắt nguồn từ biến cố nghiệt ngã 30 tháng Tư năm
1975.
Sau ngày 30
tháng Tư ấy, khi chưa có chương trình tái định cư ồ ạt nhưng với chính sách
phân biệt, chia rẽ dân tộc của “bên thắng cuộc”, hố ngăn cách giữa tuổi trẻ
cùng dòng giống đã hiện rõ: Một bên là con cháu của thành phần “cách
mạng”, bên kia là con cháu của “nguỵ quân nguỵ quyền” và dân miền Nam “phản
động”. Với chủ trương phân biệt nầy, con cháu chúng tôi đã bị đẩy ra bên
lề xã hội. Một số lớn tuổi thì thất học, phải cùng mẹ để kiếm sống
và nuôi cha đang ở tù. Số nhỏ tuổi được đi học nhưng bị phân biệt xa
lánh. Năm 1977 tôi (khi còn ngồi tù) nhận được một lá thư của bà xã
(gởi chui) than rằng thằng B., con trai đầu của chúng tôi khi đi học bị bạn
trong lớp tẩy chay: “Thằng đó con đại uý nguỵ, đừng chơi”! Nếu không
có sự tuyên truyền nhồi sọ của người lớn, con nít 5-6 tuổi, với sự trong trắng
ngây thơ của chúng, làm sao biết những chuyện ấy?! Làm sao chúng có “lập trường
thù-bạn” rạch ròi như chủ trương của tập đoàn Việt cộng tàn độc và phi dân tộc?!
Thời thế đổi
thay, những đứa trẻ bị trù dập và coi rẻ ấy đã cùng cha mẹ rời bỏ đất nước. Đến
Mỹ, họ như cá gặp nước, mặc sức tung hoành. Chỉ chưa tới một thập
niên, vượt qua mọi trở ngại về ngôn ngữ, đa số họ đã có mặt trong các trường
đại học trên khắp nước Mỹ. Hiện nay, sau gần ba thập niên, những đứa
trẻ khi còn ở Việt Nam bị bạc đãi, bị thất học, hoặc thi đại học đậu nhưng
không được phép nhập học vì lý lịch của cha… đã thành danh và có cuộc sống vững
vàng. Số con em của người Việt trên đất Mỹ trở thành Tiến sĩ, Bác sĩ
y khoa, Dược sĩ, Nha sĩ, Kỹ sư, Luật sư, Thầy giáo cũng như ông nầy bà nọ trong
các ngành nghề…đếm không hết.
Về giáo dục,
nước Mỹ chủ trương đào tạo nhân tài chung, không ưu tiên cho một thành phần
nào, tất cả mọi người đều có thể sắp hàng chạy đua. Ai giỏi chạy đến
đích, họ hoan nghênh và xử dụng. CSVN ngược lại, để nắm giữ chính quyền
lâu dài, họ có “diện chánh sách” giành ưu tiên cho con cháu của họ, người ngoài
khó lọt vào. Nhờ nền giáo dục trong sáng và công bằng của Mỹ, giới
trẻ Việt Nam đã chen chân dành được những vị trí xứng đáng trong xã hội trong
khi một số lớn người bản xứ phải dựa vào trợ cấp xã hội, hoặc đi làm với đồng
lương căn bản (vì lười không chịu “chạy”)! Theo tôi, đó mới là thiên
đường, là đất hứa thật sự (Promised Land) mà chúng tôi cảm nhận và bạn Nguyên
Giang muốn biết.
Giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại rất trong sáng, có nhiều kiến
thức mang tầm quốc tế và thời đại, và đặc biệt họ là những người RẤT TỰ DO,
không nô lệ một chủ thuyết hoặc hệ tư tưởng nào. Tuổi trẻ trong nước, lớn
lên hấp thụ giáo dục xã hội chủ nghĩa (phải học về chủ thuyết
Marxist-Leninist), làm việc với chế độ CSVN, một chế độ dựa trên chủ thuyết
ngoại lai ấy nên không ít trong số họ cũng chỉ là những kẻ “bị cầm tù
trong ý thức hệ cũ” (Imprisoned in an old ideology/Lý Quang Diệu).
Tuổi trẻ Việt
Nam tại Mỹ phần lớn có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ của họ, đã hoà nhập vào
xã hội Mỹ dễ và sâu hơn cha mẹ của họ, đã học hỏi những điều hay trong lối sống
Mỹ nhiều hơn cha mẹ họ. Như đã trình bày phần trên, cha mẹ họ đã
khác xa so với những người cùng thế hệ trong nước thì họ đương nhiên phải khác
với giới trẻ tại Việt Nam. Cho dù một số thanh niên tại các thành
phố trong nước, dựa vào thế lực của cha mẹ, có nhà cao cửa lớn, đua đòi trưng
diện nào là “xe khủng”, “điện thoại và đồng hồ xịn”, quần áo bảnh bao hào
nhoáng…thì đó cũng chỉ là lớp sơn loè loẹt trước mặt tiền của một căn nhà đang
rệu rã và đầy xú uế bên trong.
Lớp già chúng
tôi, tuy đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn đậm chất Việt Nam, dễ thông cảm với
những điều kém văn minh, thiếu lịch sự của người trong nước. Nhưng
giới trẻ con em chúng tôi đã Mỹ hoá nhiều, “chất Việt Nam” không còn bao nhiêu
nên lối sống chụp giật, bừa bãi, mất vệ sinh…của người trong nước, kể cả giới
trẻ, họ khó dung nạp và hoà đồng được. Đó có thể là một trong những lý do tại
sao đa số du học sinh Việt Nam tại Mỹ không muốn về nước sau khi tốt nghiệp.
Xin đừng nghĩ
tôi nói xấu người trong nước. Xin đừng phủ chụp tôi bêu rếu quê
hương. Sự khác biệt giữa người trong nước và kiều bào hải
ngoại nói chung là rất rõ ràng. Nguyên nhân của sự khác biệt ấy cũng
rõ không kém. Trước khi có cộng sản, người Việt Nam, kể cả người
Việt Nam dưới thời VNCH không như vậy. Chỉ có những người đã sống
khá lâu với hai đất nước, hai xã hội, hai thể chế chính trị Mỹ và Việt Nam
(cộng sản) mới có thể cảm nhận được những điều nầy một cách thấu đáo. Nếu
đến Mỹ trong một thời gian ngắn để du lịch hoặc thăm viếng, người ta (nhất là
giới trẻ) khó mà hiểu hết được.
Nhưng, nếu có
thể, bạn Nguyên Giang nên “Cỡi ngựa xem hoa” một chuyến, cũng thích thú và đáng
giá lắm. Chúc bạn toại nguyện.
Mùa 30 tháng Tư, Năm 2016
ĐỊNH NGUYÊN
***
Tôi muốn được
đặt chân tới Mỹ!
Đó là điều mơ-ước cháy-bỏng của tôi từ khi biết nhận- thức sau khi rời Trung-Học để bước vào đời! Vì sao ư? Để tôi tìm hiểu về nền văn-hóa, chính-trị, giáo-dục, kinh -ế của nước này. Để tôi tự trả lời cho nhiều câu hỏi cứ thôi-thúc trong đầu mình bao nhiêu năm qua, từ khi tôi biết nhận-thức về đời sống!
Tôi muốn đến Mỹ, để tôi hỏi vì sao đồng-bào tôi có mặt ở đây! Và sự ra đi này kéo dài hơn một thế-hệ rồi, mà đến bây giờ hàng ngày đi ngang Tòa Đại-Sứ Mỹ ở Sài-Gòn vẫn còn lũ-lượt người chờ đợi một tấm vé đặt chân vào Mỹ! Dù đất nước Việt tôi im tiếng súng đã lâu! Từ khi tôi chưa chào đời!!!
Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải đó là Thiên-Đường không? Mà đồng-bào tôi, bạn bè tôi sau khi định-cư vài năm có trở về thăm quê, họ như một con người khác! Lịch-sự, nhã-nhặn! Có kiến-thức giỏi-giang hơn rất nhiều!!! Tôi tự hỏi điều gì đã làm nên đôi hia bảy dăm đó?
Tôi muốn đi để hỏi các cô gái lấy chồng“Việt Kiều Mỹ” niềm vui rạng-ngời hơn các cô gái phải bán thân đi Đài- Loan, Hàn-Quốc, Campuchia?
Tôi muốn đi để thấy, để biết Tổng-Thống Mỹ có phải ông Trời không? Mà sao cả thế-giới phải nghe-ngóng, chờ-đợi mỗi mùa bầu-cử Tổng-Thống Mỹ?
Và tôi muốn đi để hỏi các Chú Bác những chiến-hữu của Ba tôi ngày xưa, được chìa khóa HO để đến thiên-đường nước Mỹ! Có còn nhớ đến bạn bè chiến hữu, quê hương hay không? Mà sao ai cũng chen chân bỏ lại“chùm khế ngọt!" mà hân-hoan làm kẻ lưu-vong???
Tôi muốn gặp những người cùng lứa tuổi tôi là Người Mỹ Gốc Việt để thử xem cách xa hai nửa bán cầu, tuổi trẻ có gì giống và khác nhau?
Cuối cùng, tôi muốn đi để xem vì sao, hấp lực gì mà hàng triệu người miền Nam đổ xô ra biển không định-hướng những năm sau 1975 đến những năm 1990 và tiếp-tục đến bây giờ bằng nhiều cách?
Nhưng đường đến
nước Mỹ với mình chắc xa diệu-vợi! Thôi thì các Chú, Bác anh em đồng-bào ở Mỹ
có ai còn tâm- tình với những người bên này vui lòng trả-lời dùm tôi, một
thanh-niên 30 tuổi những câu hỏi vừa nêu, để tôi khỏi khắc- khoải về một nước
Mỹ vô cùng lạ-lẫm, và thần-kỳ! Nếu vậy, thì âu cũng là một niềm vui lớn rồi!
Chứ chưa dám nghĩ ngày nào đó mình đạt chân đến Mỹ quốc!!!
Mong lắm thay!
Nguyên Giang
_.___