Đổi mới chính trị là yêu cầu
cấp bách hiện nay
Tiến sỹ Vũ Cao Phan
Đại học Bình Dương
- 29
tháng 10 2016
Bản tổng kết kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đưa ra một chỉ số
buồn: tăng trưởng chỉ đạt 5,52%, thua gần một điểm phần trăm so với cùng kỳ năm
trước (6,32%), thua hơn một điểm rưỡi so với chỉ tiêu của năm (6,7%)và cũng là
năm đầu tiên sụt giảm trở lại kể từ 2012- thời điểm gượng dậy sau nửa thập niên
ốm yếu.
Vào lúc này khi hơn ba phần tư năm đã trôi qua và Ngân hàng Phát
triển châu Á đã đánh tụt dự báo xuống còn 6%, người ta lại đang tìm cách điều
chỉnh chỉ tiêu để cuối cùng có thể "kết thúc thắng lợi" một năm không
thắng lợi của kinh tế nước nhà.
2016 là năm đầu của kế hoạch 5 năm được hy vọng mở lại một chu kỳ
tăng trưởng mạnh, nhưng đã khởi đầu nan. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra
trong phiên điều trần bất thường tại kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa mới cũng
như liên tục tại các diễn đàn trao đổi, hội thảo từ đó đến nay; và tất nhiên cả
trong kỳ họp Quốc hội cuối năm đang nhóm tại Hà Nội.
Không một nguyên nhân nào cho thấy: động lực phát triển đã cạn (kiệt).
Có thể khẳng định, những thành tựu của công cuộc Đổi Mới (mà người
ta định ồn ào tổng kết 30 năm thực hiện rồi lại im?) được dựa chủ yếu vào hai nguyên
nhân: dòng vốn tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài đổ vào và những chính sách (
được nhà nước từng bước cập nhật) tương đối phù hợp với một nền kinh tế đã thay
đổi về bản chất.
Dòng vốn ấy vẫn chảy, thậm chí còn mạnh hơn nhưng đã không còn
tính động lực. Vào chính lúc đó, xã hội bùng lên vấn đề tham nhũng và chống
tham nhũng bắt đầu bằng câu chuyện tưởng chừng ất ơ: một ông quan muốn trộ oai
tỉnh lẻ với cái biển số xe của mình.
Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, câu chuyện về cái biển số xe ấy có cùng
một nguyên nhân với nền kinh tế yếu kém. Nó đưa lời kêu gọi: cải cách thể chế,
đổi mới chính trị, không thể chậm hơn được nữa.
Kinh tế tư bản
Nhà nước bảo: đó là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; nhiều ý kiến khác: kinh tế xã hội chủ nghĩa định hướng thị trường. Với tôi,
đó là nền kinh tế đang tư bản hóa (những gì gọi là) kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Nói một cách chính xác: nền kinh tế chúng ta
đang có là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, dù muốn hay không. Nó "tư bản"
ở ngay trong cốt lõi quan hệ sản xuất, từ phân phối chế phẩm, tổ chức lao động
đến sở hữu tư liệu, cho dù có hay ho gọi là cổ phần hóa chăng nữa. Nó "tư
bản" ở chính bản chất kinh tế thị trường. Kinh tế, do quan hệ sản xuất đẻ ra chính trị và đến lượt mình,
chính trị lĩnh nhiệm vụ hướng đạo kinh tế phát triển theo quy luật, theo thúc
triển nội tại của nó - đây là luận điểm không chỉ riêng của những người
Marxist. Để thấy rằng, nghịch lý ở Việt Nam hiện nay là trong khi chúng ta có
một nền kinh tế đã thay đổi về mặt bản chất thì chính
trị thượng tầng của nó vẫn ngủ quên, vẫn y như cũ, và làm nên nguyên nhân chủ
yếu sinh ra vô số tật bệnh không tìm thấy thuốc chữa, kìm hãm phát triển.
Công bằng thì cái chính trị ấy cũng có được cải đổi ít nhiều do áp
lực của Đổi Mới nhưng chỉ nửa vời lẽo đẽo đằng sau với cái dây "định
hướng" tròng trên cổ.
Trong nông nghiệp, để "định hướng xã hội chủ nghĩa",
ruộng đất không được tư hữu hóa mà thay bằng quyền sử dụng, thì thôi cũng được,
nhưng tại sao vẫn không cho phép dân cày (khái niệm dân cày ngày nay đã khác
trước rất nhiều) được tích tụ (bằng chuyển nhượng quyền sử dụng) loại tư liệu
sản xuất ấy đến mức có thể đầu tư lớn, sản xuất lớn, tạo ra nhiều sản phẩm cho
xã hội thay vì bỏ ruộng cho cỏ mọc, đi kiếm việc khác sống cho qua ngày?
Trong công nghiệp, để "định hướng", đối với những công
ty hoặc mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh thì nhà nước
vẫn nắm độc quyền hoặc chỉ cổ phần hóa chiếu lệ để trên thực tế, vẫn là thiên
đường của quan liêu, tham nhũng : cha chung không ai khóc, tiền chung cứ móc mà
xài. Do đó, những công ty này luôn làm ăn thua lỗ và tiền thuế của dân lại được
đổ vào để giữ vững "định hướng" trong khi khu vực tư nhân (đã được
chính thức coi là động lực tăng trưởng) thì chẳng được một sự ưu đãi nào - kể cả
những công ty tên tuổi, làm ăn có mảng, có miếng- nếu chẳng may thất bát.
Không có một chính sách tích cực và chẳng có một ngân sách nào
dành cho các doanh nhân khởi nghiệp mà vẫn cứ hy vọng sẽ có được một triệu
doanh nghiệp trong vài năm tới (và sau đó để chết yểu) là sao?
Còn trong lĩnh vực tinh thần - văn hóa, tư tưởng, tuyên truyền,
báo chí, giáo dục,pháp luật… - thì sự đổi mới, cải cách càng hiếm đến, bởi nó
là chính trị.
Quốc hội "sản xuất" được khá nhiều luật nhưng ban hành
vừa xong lại phải chuẩn bị dự luật sửa đổi. Bàn đến nhất thể hóa - điều mà ngay
cả những quốc gia cộng sản còn lại đã thực hiện từ lâu - nhưng thử nghiệm vừa
xong lại bỏ vì sợ….độc tài! Mà ai độc tài, ai che dấu cái tôi của mình? Ai điều
gì cũng lập luận lấy được? Đẩy thừa con đường này là "do Bác Hồ lựa
chọn" để khỏi phải thừa nhận chính mình lựa chọn.
Trịnh Xuân Thanh
Trở lại câu chuyện Trịnh Xuân Thanh. Có thể thấy kinh hoàng vì lỗi
hệ thống. Nếu không có câu chuyện ông quan tư cách hàng chợ này khoe sang khoe
mẽ thì ông ấy sẽ hanh thông tiến lên, chưa biết đâu là điểm dừng. Nhưng vì trót
dại, người ta không thể không lôi ra việc " luân chuyển" của ông,
người ta đào đến khoản tiền thất thoát khổng lồ (mà thực tế đã được chôn quên
trong đống giấy lộn), người ta lần đến ông A, ông B, ông C…. chống lưng.
Lỗi hệ thống là đây: Do cơ chế chính trị, Trịnh Xuân Thanh được
đưa ra kiểm điểm trong Đảng trước, Đảng kết luận có tội mới chuyển qua công an
cảnh sát điều tra. Thấy động lớn, Thanh chủ động xin ra khỏi Đảng và… chuồn êm.
Mọi hành động của nhà chức trách đều là vuốt đuôi.
Nhưng liệu nó có đi đến hồi kết như người ta mong muốn hay không
thì chẳng biết. Quan điểm của tôi: ngay dù đạt được như vậy, có lôi ra lũ lít
cả đống chuột mẹ chuột con thì vấn đề vẫn còn nguyên. Tại sao?
Chống tham nhũng lại dựa vào các quan điểm và hệ thống chính trị
từ thời xã hội chủ nghĩa, từ thuở tất cả đều nghèo, từ thời giàu có đồng nghĩa
với vô đạo đức là công việc bất khả, là sai lầm cơ bản. Chưa nói, tham nhũng ở Việt Nam đã phát triển vũ
bão kể từ mười lăm năm trước khi còn nương nhẹ gọi một cách phiếm chỉ là
"hiện tượng tiêu cực", không ai thực sự muốn ngăn cản nó để bây giờ
thì thôi rồi.
Công tác cán bộ
Tôi không có điều kiện đi sâu, đi rộng trong một bài viết nhưng
không thể không đề cập đến khâu đầu: công tác nhân sự, công tác cán bộ. Công
tác này được hiểu là việc bổ nhiệm, thăng giáng và điều động nhân sự trong bộ
máy công quyền, và nó hoàn toàn đi theo cách làm cũ, một cách làm nhân danh
Đảng, nhân danh giai cấp, nhân danh chế độ với cả một quy trình nhiều bước có
thể với mục đích tích cực nhưng kết cục trở thành bình phong cho những kẻ bất
lương. Không ai tìm hiểu xem, ở một nền kinh tế thị trường đích thực , người ta
làm việc đó như thế nào. Và cũng không ai cần biết tại sao các quan chức ở môi
trường ấy không coi và không thể coi quyền lực là nơi thu vén lợi ích cá nhân;
và khi cần thì họ từ nhiệm rất dễ dàng, rất tự giác mà ở Việt Nam thì không?
Đảng Cộng sản Việt Nam có một Hội đồng lý luận và Hội đồng này
vừa nhận được huân chương cao quý do Nhà nước trao tặng "vì những thành
tựu xuất sắc trong công tác lý luận".
Thành tựu ấy là gì không ai biết, mặc dù như tôi, rất hy vọng nó đóng góp được vào việc đổi mới
chính trị sao cho theo kịp, sao cho ăn khớp với đổi mới kinh tế. Nhưng tất cả
những gì được nghe, được đọc chỉ là chống "tự diễn biến"," tự
chuyển hóa", những khái niệm không đầy đủ, không thuyết phục, vừa vô lý về
mặt triết học, vừa thiếu vắng về mặt ngôn từ, cụt ngủn.
Chưa nói, tự diễn biến tự chuyển hóa về đâu, đến đâu? Trước đây
còn được nghe là chống "diễn biến theo con đường tư bản chủ nghĩa",
thì bây giờ không thấy chỉ điểm đến. Mất phương hướng?
Nếu vẫn là chống tha hóa về phía tư bản chủ nghĩa thì có thể yên
tâm, tất cả những tai to mặt lớn bị Đảng và luật pháp trừng trị vừa qua không thấy
cái tên nào bị lên án nhạt nhòa lý tưởng, mất ý chí chiến đấu, phản bội giai
cấp cả. Bọn này vẫn phấn đấu vì tập thể, vì chủ nghĩa xã hội đấy, thậm chí còn
to mồm hơn tất tật. Không tin cứ hỏi những người xung quanh. Nếu Hội đồng Lý
luận thực sự làm được việc thì có rất nhiều vấn đề thiết thực mà Hội đồng này
nên làm và cần làm.
Chẳng hạn. Hội đồng đã từng giải thích sự sụp đổ của Liên Xô và
các nước XHCN Đông Âu là có sự phá hoại của các thế lực thù địch cộng với sự
trì trệ của lãnh đạo. Hãy giải thích xem, đảng cộng sản ở các nước đó bây giờ hầu hết đã đổi tên đổi họ
(trở thành các đảng mang tính chất xã hội hoặc xã hội - dân chủ) với cương lĩnh
mềm trong một nền dân chủ đa nguyên mỗi người một lá phiếu, nhưng sao vẫn chưa
thấy một đảng nào quay trở lại cầm quyền, thậm chí chẳng len được vài xuất nghị
trường?
Chẳng hạn. Những đảng vẫn còn hiếm hoi giữ tên cộng sản như Đảng
Pháp thì cương lĩnh của họ cũng đã đổi đến tối mũi tối mày. Họ không còn giữ cả
biểu tượng búa liềm và thay đổi hẳn quan niệm về sở hữu. Ở Đại hội gần nhất,
Đại hội 36 (2/2013), Đảng tuyên bố chủ nghĩa Mác-Lênin không còn sức sống cả
trong thực tế và lý luận, và giai cấp vô sản không còn giữ vai trò thúc đẩy xã
hội nữa.
Vai trò ấy bây giờ nằm
trong tay tầng lớp trí thức trong một nền kinh tế tri thức hiện đại. Hãy chứng
minh những luận điểm đó là sai!
Ông Hồ Chí Minh từng cho rằng người Việt thiếu tư duy khái quát,
tư duy hệ thống nên công tác nghiên cứu lý luận "hãy để các đồng chí X
(ông nêu tên một nước lớn) làm". Có lẽ đúng, thực tế từng chứng minh. Khi
Trung Quốc chống Việt Nam thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, Việt Nam đã dựa vào
Liên Xô để tìm đến các lý thuyết phát triển. Khi Liên Xô rơi vào khủng hoảng,
sắp sụp đổ đến nơi thì Việt Nam lúng túng định quay sang nắm áo Romania.
Cái quốc gia và đảng của nó mà Việt Nam từng tuân theo Liên Xô đả
kích không thương tiếc một thời ấy bây giờ được coi là mô hình độc đáo, vững chắc,
được toàn dân ủng hộ. Bất thình lình chỉ một ngày, người Romania nổi dậy và
Tổng Bí thư Nicolas Ceaucescu cùng bà vợ quyền lực của ông bị xử bắn trong một
phiên luận tội nhanh như chớp mắt.
Không còn chỗ bám víu nữa thì may sao, cuộc đại sụp đổ cả hệ thống
lại là cơ hội vàng của Việt Nam (đừng nghi ngờ điều này). Câu chuyện sau đó như
thế nào chúng ta đều đã rõ.
Ổn định trong trì trệ
Mặt trái của ổn định là trì trệ, chưa nói thực trạng ở Việt Nam
hiện nay là ổn định trong trì trệ. Nên thử làm một cuộc thăm dò khách quan xem phỏng được bao nhiêu
phần trăm? Thăm dò kín đáo thôi, khỏi cần công bố, để giật mình mà nhận ra thực
trạng của cái gọi là niềm tin.
Muốn ổn định và giữ cho ổn định có sức sống, nếu chưa thể đổi mới
toàn diện về mặt chính trị, hãy chọn những vấn đề trì trệ nhất, cản bước phát
triển nhất để đột phá. Hãy coi và phải coi đổi mới chính trị , cải cách thể chế
là động lực cho giai đoạn phát triển hiện nay.
Giới lãnh đạo Việt Nam đặt nhiều hy vọng vào TPP, Hiệp định về đối
tác xuyên Thái Bình Dương. Nhiều người cho rằng TPP sẽ tạo động lực cho phát
triển bởi các lợi ích kinh tế, thương mại to lớn có thể sờ nắn thấy được.
Người ta hy vọng nó có những ràng buộc về mặt chính trị nhưng
không có chế tài thì Việt Nam vẫn có thể "mềm mại" vượt qua bằng "sách
lược" khôn ngoan. Chắc chắn đây là một lầm lẫn tai hại.
TPP sẽ là một động lực, nhưng phải nhìn nó dưới góc độ là một Hiệp
định thương mại thế hệ mới, hoàn toàn mới. Học giả Trung Quốc Dương Bằng cho
rằng, với TPP, một "thời đại thương mại giá trị" được kết nối bằng
những "quy tắc chính trị" tự giác đã đến. Người Trung Quốc không phải
không muốn tham gia TPP hay bị ai đó gạt ra; họ ngần ngại chính là bởi các ràng
buộc chính trị. Gia nhập TPP là chấp nhận các ràng buộc ấy khiến Trung Quốc sẽ
phải ở cửa dưới. Ví dụ về các xí nghiệp quốc doanh.
Nó sẽ không được hưởng bất cứ một ngoại lệ ưu tiên nào mà còn phải
giảm thiểu (khác với Việt Nam, các xí nghiệp, tập đoàn nhà nước ở Trung Quốc
vốn rất mạnh). Không chỉ thế, các yêu cầu về quyền tự do tư tưởng, quyền được
thông tin, quyền của người lao động…. với TPP là đương nhiên.
Học giả Dương Bằng mà tôi vừa nêu trên, giáo sư thỉnh giảng Đại
học Harvard, trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ cho
rằng dù không đề cập trực tiếp đến chính trị nhưng những điều đó tạo nên quy
tắc chính trị của TPP và sẽ là quy tắc nguồn tác động đến tất cả. Nó được thực
thi một cách tự giác vì làm ngược lại người ta sẽ tự đào thải mình. Không có chế tài ư, lợi ích của chính anh sẽ là
chế tài.
Nhưng những động thái gần đây có thể là đáng ngại khi Quốc hội xem
xét khắt khe dự thảo Luật về hội và các dự thảo sửa đổi luật Hình sự, luật liên
quan đến đầu tư, kinh doanh…
Chính trị tổng quát là: Mọi việc đều phải trên cơ sở tôn trọng
pháp luật và minh bạch.
Những gì khập khiễng, nửa vời sẽ đem đến kết quả thậm chí cũng
không được nửa vời.
Bài thể hiện quan điểm riêng của Tiến sỹ Vũ Cao Phan, Viện trưởng
Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nguyên Phó
Chủ tịch, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment