Hiện tượng Trump và
Việt Nam
Nguyễn Trung
Hà Nội, ngày 23-11-2016
Tưởng nhớ anh Võ Văn Kiệt
I.
Về hiện tượng Trump
Về hiện tượng Trump
Những
ngày này thế giới chìm ngập trong những làn sóng dồn dập của muôn vàn cảm xúc
do cuộc bầu cử ở Mỹ gây ra. Từ xôn xao, ngạc nhiên, đến kinh ngạc.., trong đó
có không biết bao nhiêu cảm xúc rất cực đoan. Trên thế giới có người lo sốt vó,
lại có kẻ vui mừng múa dao trong bụng… Ngay tại nước Mỹ nhiều nơi thất vọng,
coi đây là thất bại của thế chế dân chủ, có người còn gọi đây chỉ là một “game”
tồi có hại cho nước Mỹ... California có lẽ là bang phản đối quyết liệt nhất kết
quả bầu cử… Tâm trạng phân tán tại Mỹ và sự náo động toàn cầu là hiệu ứng đầu
tiên của sự kiện Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Dù cuộc bầu
cử này không ít khuyết tật không thể tránh khỏi như vẫn xảy ra trong bất kỳ một
thể chế dân chủ nào ở các nước phát triển – dù là Mỹ, lần này khá đậm mầu sắc
dân tuý, song không phải vô lý Francis Fukuyama đã ví thắng cử của Trump giống
như sự kiện sụp đổ bức tường Berlin, dẫn tới thời kỳ hậu chiến tranh lạnh.
Hiện tượng Trump – xin được đặt cho sự
kiện này cái tên gọi như vậy cho gọn – hiển nhiên đã dấy lên một chấn động
chính trị toàn cầu, và sẽ dẫn tới cái gì?
Rồi
đây, sau khi chấp chính, vô luận Donald Trump sẽ giữ lời hay phản bội, hoặc nói
một đằng làm một nẻo.., vô luận ông ta thành công hay thất bại, dù hoàn toàn
hoặc từng phần trong thực hiện những cam kết của mình.., thậm chí kể cả nếu vì
lý do nào đấy ông ta giữa đường đứt gánh.., song hầu như chắc chắn hiện tượng Trump sẽ:
- (a) làm biến đổi, xáo
động, hay đụng chạm ở các mức độ khác nhau tới nhiều vấn đề quan trọng trong
nội trị và trong đối ngoại của nước Mỹ. Bởi vì ngoài những yếu tố mỵ dân, có
thể xem Donald Trump thắng cử là kết quả việc ông ta đã xới tung không ít những
vấn đề nan giải của nước Mỹ tích tụ suốt mấy thập niên gần đây;
- (b) với tính cách là
cường quốc số 1 đang giữ vai trò dẫn dắt sự vận động và phát triển của thế
giới, hiện tượng Trump tự nó
mang sẵn trong mình (built
in) những tác động toàn cầu ảnh hưởng đến sự vận động của thế giới và các
mối quan hệ quốc tế hiện tại.
Cho
đến nay, tại nước Mỹ cũng như trên thế giới, đã có nhiều phân tích sắc sảo, có
sức thuyết phục câu hỏi tại sao đã xảy ra hiện
tượng Trump? Lấy những phân tích ấy bổ sung cho nhau, hy vọng bản
chất của sự vật đã được làm sáng tỏ (nhân đây tôi xin cảm ơn viet-studies.net
và anh Trần Hữu Dũng đã cung cấp cho bạn đọc Việt Nam nhiều bài của các học giả
có tên tuổi và các cây bút có hạng của báo chí Mỹ). Một số cây bút có hạng
người Việt sống trong hay ngoài Việt Nam cũng góp phần đáng kể giúp bạn đọc
tiếng Việt thu thập được nhiều lý lẽ có giá trị mổ xẻ hiện tượng này – trong đó
riêng tôi thích thú và đánh giá cao một số bài viết có chất lượng hay các nhận
xét tinh tế của các anh Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Quang Việt, Ngô
Vĩnh Long… (còn một số bài Việt khác rất sắc cạnh về chủ đề này, song tôi không
quen biết các tác giả nên không dám nêu danh ở đây). Muốn tiếp tục phân tích
hiện tượng Trump, thiết nghĩ nên tìm đọc tiếp trên mạng – nhất là nhiều người
trong chúng ta không có tiền và điều kiện mua báo chí nước ngoài.
Lĩnh
hội những phân tích đào bới được trên mạng như đã trình bầy, tôi chỉ xin thêm 2
ý:
(1) Hiện tượng Trump phản
ánh tình huống: Đến như cường quốc số 1 là Mỹ vì nhiều lý do trong/ngoài bây
giờ cũng phải quẫy lên trong
thế giới hôm nay.
(2) Hiện tượng Trump là cú hích cuối
cùng đẩy thế giới và các mối quan hệ quốc tế hiện tại bước vào một giai đoạn
phát triển khác, tạm gọi là một giai đoạn toàn cầu hoá mới.
Có đúng như vậy không, xin được để ngỏ để bạn đọc bàn luận.
Nếu lực tòng tâm, tôi
thực sự muốn viết cả một quyển sách về 2 ý nói trên, vì tôi tin như thế. Trong
các bài viết những năm gần đây, nhất là trong các bài viết nhân dịp góp ý cho
Đại hội XII của ĐCSVN, tôi đã nhấn mạnh: thế giới đã sang trang, nước ta cũng
buộc phải tìm đường để sang trang. Tôi coi hiện tượng Trump xác nhận suy nghĩ
của mình: Thế giới đã sang trang!
Sách
chắc là bây giờ không viết nổi rồi, nên trước mắt chỉ xin nêu vài ý về quẫy lên và sang trang để
khiêu khích suy nghĩ và bàn luận.
II.
Quẫy lên và cú hích
Gạt
sang một bên mọi cảm súc và ý thức hệ, có thể đọc được ở Trump tranh cử những
nỗi đau lớn của nước Mỹ. Xin diễn giải đại thể dưới đây.
1 -
Ngoài những cái giành được, Mỹ cũng đã mất không ít trong
khoảng 3 thập niên toàn cầu hoá vừa qua, đồng thời mắc cũng không ít
những sai lầm trong hệ thống kinh tế - chính trị của mình.
Chung
cuộc, Mỹ đang ngày càng nhỏ đi hay càng yếu hơn so với những vấn đề và thách
thức toàn cầu ngày càng lớn hơn và phức tạp hơn mà Mỹ đang phải đối mặt. Thực
tế này Mỹ không thể cưỡng lại được. Cứ đọc những phê phán của Trump tranh cử về
những gánh nặng nền kinh tế Mỹ đang phải chịu đựng – nhất là nhiều ngành nghề ở
Mỹ bị xoá sổ, nhiều việc làm mất đi – sự thua thiệt hầu như không kham nổi của
một số tầng lớp lao động (nhất là giới lao động cổ trắng, giới lao động cổ đỏ
[nông dân]…), tình trạng tràn ngập nhiều mặt hàng nhập khẩu, những vấn đề nổi
cộm liên quan đến hàng chục triệu lao động nhập cư trái phép, tình trạng nhập
siêu và nợ ngày càng lớn, những phát triển thiên lệch (bias) không kiểm
soát được (ví dụ: do outsourcing,
do di chuyển lao động, do sự phát triển dân số học, do những mảng bất cập mới
phát sinh trong thể chế Mỹ, do cuộc sống thay đổi rất quyết liệt, vân vân…) dẫn
đến những mất cân đối mới hay là kéo theo sự lạc hậu mới của Mỹ - rõ nhất là
trong lĩnh vực giáo dục, bảo hiểm y tế…)…
Các định chế quốc tế / khu vực hiện
hành ngày càng có nhiều lỗ hổng hoặc bất cập mới, vì đã bị thực tế quyết liệt
và phức tạp của quá trình toàn cầu hoá hiện nay vượt qua. Nạn ăn cắp bản quyền,
tin tặc, chiến tranh mạng, vấn đề khủng bố và nạn IS, nạn di tản… hầu như đến
nay chưa có lời giải. Còn nhiều chuyện đau đầu khác nữa… Song cam go nhất là
câu chuyện: Mỹ nói riêng với tư cách là cường quốc số 1 và cả thế giới nói
chung cho đến nay chưa có đối sách gì có thể kiểm soát hữu hiệu con quái vật
Frankenstein Trung Quốc (tên gọi do Nixon đặt ra). Tên “Frankenstein” này
đang ngày càng trở thành vấn đề của cả thế giới, đồng thời trực tiếp thách thức
Mỹ ngày càng quyết liệt. Bằng cả quyền lực rắn và mềm, nó đang lũng đoạn ngày
càng nghiêm trọng nhiều mảng kinh tế, chính trị, an ninh… trong đời sống quốc
tế, tác động vào vị thế của Mỹ. Lại trong bối cảnh trên thế giới ngày càng nóng
lên nhiều vấn đề truyền thống hoặc phi truyền thống ở tầm vóc toàn cầu.
2 –
Trump tranh cử đã vạch ra không ít vấn đề nội trị “bất ổn” đến nay Mỹ chưa có
cách gì tránh được trong quá trình phát triển của những thập niên quyết liệt
gần đây. Mọi thể chế hay chủ trương, chính sách, các “bài thuốc”… có được dù
hiệu quả đến đâu cũng chỉ có thể vận dụng trôi chẩy được trong một thời kỳ nhất
định rồi lại hết tác dụng. Các vấn đề mới lại xuất hiện, lại phải cải cách,
phải tìm đường giải quyết… Hiện tại, có thể gói những bất ổn xảy ra đương thời
trong nội trị Mỹ vào 3 nhóm vấn đề sau đây:
(a)
những bất ổn hay xung
đột (mâu thuẫn) trong quá trình dân chủ hoá và phát triển diễn ra thường xuyên
giữa một bên là những
nhóm người (thuộc nhiều tầng lớp khác nhau) bị tước đoạt nhiều thứ và không được
bảo vệ thoả đáng, hoặc thậm chí bị bỏ rơi (Rowan Williams, J. E. Stiglitz).., với một bên là các
đối thủ của họ (có thể là giới chủ, có thể là những lớp người có lợi thế nhất
định – ví dụ như lao động giá rẻ của những người nhập cư.., hàng nhập khẩu, những
hệ quả của vấn đề outsourcing, những thể chế hay chính sách tuy có tác dụng
khuyến khích hội nhập, cạnh tranh và xoá bỏ chủ nghĩa bình quân, song lại không
thể bảo vệ thoả đáng những nhóm người kém lợi thế… vân vân – (vả lại trên đời
này khó mà có được giải pháp thần thánh nào có thể làm được điều kỳ diệu là
thoả mãn tất cả.., vạn sự lại phải trông chờ vào khả năng điều chỉnh thường xuyên
của bàn tay thể chế và sự mẫn tiệp của con người!)… Một số ví dụ dễ thấy: cường
quốc số 1 Mỹ cho đến nay vẫn chưa có cách gì xử lý được các vấn đề như: cá nhân
sở hữu vũ khí, bảo hiểm y tế, bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục, hệ thống
thuế khoá lợi cho nhóm này lại bất lợi cho nhóm kia, khoảng cách chênh lệch
giầu/nghèo gia tăng kèm theo nhiều bất công và bất bình đẳng mới, vân vân…);
(b) những bất ổn hoặc xung
đột giữa một bên là những
giá trị nền tảng khởi thuỷ đã lập nên nước Mỹ - ví dụ như các mối liên kết
gia đình, lòng yêu nước Mỹ của tự do, các giá trị văn hoá của tôn giáo tin
lành, các giá trị của văn hoá Anglo-Saxon với cốt lõi là giải phóng và khai
sáng mang đi từ châu Âu và quyết vứt bỏ lại phía sau tất cả để khởi lập nước
Mỹ… với một bên là tác
động ngày càng sâu sắc của những sản phẩm thuộc những giá trị đa văn hoá mới
của chủ nghĩa tự do (bao gồm cả những vấn đề như hôn nhân đồng tính, vấn đề nạo
thai, các vấn đề thuộc phúc lợi xã hội…) và của quá trình hội nhập toàn cầu.
Mỹ được coi là nơi đất lành chim đậu, luôn mở rộng cánh tay đón chào mọi người
từ bốn phương tới lập đời và lập ngiệp. Đương nhiên, Mỹ cũng phải thường xuyên
đối mặt với những bất ổn hay xung đột giá trị như một hệ luỵ tất yếu ngay trong
lòng xã hội mình (chưa kể tới nạn phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Phi
cũng mới chỉ được giải quyết từ thập kỷ 1960s mà thôi!). Ở nấc thang toàn cầu
hoá hiện nay, những hệ quả này nước Mỹ phải đối mặt rất quyết liệt.., (ví dụ:
vấn đề 11 triệu người nhập cư trái phép và nạn buôn lậu qua biên giới Mexico,
vấn đề lập lại một số ngành nghề đã bị xoá sổ…);
(c)
sự bất bình thầm lặng của những người thuộc nhiều tầng lớp và mầu da
khác nhau đã bỏ phiếu cho Trump. Lý do: Họ không chấp nhận (1) nước Mỹ trên đà
suy yếu tiếp so với vai trò của Mỹ và so với các đối thủ, (2) mối lo
nhiều giá trị nền tảng đã khởi lập nên nước Mỹ đang bị tổn hại – thậm chí một
bộ phận quan trọng trong nhóm này (Mỹ da trắng, nhóm trung lưu…) đang sợ rằng
một ngày nào đó không xa họ sẽ trở thành người thiểu số của nước Mỹ, (3) quyền
lực của giới chính khách Mỹ (political establishment) và của giới truyền thông
đã khống chế quá xa đời sống nước Mỹ đến mức họ không thể chấp nhận được nữa…
[Xin lưu ý:
Cử
tri của sự bất bình thầm lặng này chỉ kém số cử tri bỏ phiếu cho Hillary
Clinton khoảng 1 triệu phiếu – nghĩa là nghiêng ngửa một nửa nước Mỹ, nhưng
Trump thắng vì đã giành được số đại cử tri lớn hơn theo luật bầu cử ấn định. Sự
bất bình thầm lặng này cho rằng 8 năm thời Obama hứa hẹn nhiều, nhưng chưa làm
được bao nhiêu, nội dung tranh cử của H. Clinton thực chất là sự tiếp tục đường
mòn Obama nói riêng và lối tư duy chính thống của giới chính khách Mỹ nói chung
– bao gồm cả Dân Chủ và Cộng Hoà. Họ đòi hỏi nước Mỹ phải sớm thay đổi mọi mặt
từ bên trong.
Mặc
dù nhiều chính khách nổi tiếng của đảng Công Hoà đã bác bỏ kịch liệt ứng cử
viên Donald Trump, song họ vẫn bầu cho ông ta. Bởi lẽ không phải là họ bầu cho
đảng Cộng Hoà, mà là bầu cho đòi hỏi nước Mỹ phải thay đổi. Sống ở nước dân chủ
phát triển, thực tế này cho thấy họ có quyền năng (empowerment) và điều kiện
dùng lá phiếu của mình lựa chọn như vậy. Khó có lý nào để nói họ thích thú con
người ngỗ ngược và bất định của Trump, đành rằng không thể đánh giá thấp tài mỵ
dân mang không ít nội dung chủ nghĩa dân tuý của một nhà kinh doanh có sỏi
trong đầu như Trump. Vì vậy càng khó để nói rằng họ - sự bất bình thầm lặng này
- chịu tác động của các trang mạng xã hội. Đúng hơn có lẽ nên nói: Qua các
trang mạng xã hội họ chứng tỏ là có năng lực sàng lọc được trắng/đen, vượt qua
được áp lực của giới truyền thông, để qua đó có thể tự tập hợp được nhau lại
thành sự bất bình thầm lặng, và đã làm nên lá phiếu quyết định. Có ý kiến khá
xác đáng: Trong
cuộc bầu cử này cả Cộng Hoà và Dân Chủ cũng như giới truyền thông bom tấn của
nước Mỹ đều thua. Sự bất bình thầm lặng đã thắng!].
(d) Hơn nữa, trước sau vẫn
phải nói Trump đánh trúng nhiều nỗi đau của nước Mỹ, đưa ra một loạt quan điểm
mang tính đảo ngược bàn cờ và luật chơi không ít tính thực dụng của một đại gia
kinh doanh lọc lõi, (ví dụ các vấn đề: Mexico, NAFTA, bác bỏ TPP, xét lại tình trạng
outsourcing bằng mọi giá, nêu cải cách hệ thống thuế, đòi lấy lại việc làm cho
nước Mỹ, đặt lại quan hệ căng thẳng với Nga và một số vấn đề liên quan đến NATO,
vạch trần những thiệt hại trong buôn bán với Trung Quốc, phê phán những cam kết
liên minh quá tốn kém và nhiều tổn thất cho Mỹ…).
3 –
Mặc dù Trump chưa nói gì rõ ràng về chương trình hành động, cũng chưa có giải
pháp cụ thể gì cho thực hiện những cam kết đã nói ra, song Trump đã đặt lên bàn
nghị sự của nước Mỹ những vấn đề đối nội và đối ngoại trọng đại sắp tới phải
giải quyết. Tất cả những vấn đề này đều mang tính
chiến lược: Thay đổi sự phát triển
của nước Mỹ, xắp xếp lại bàn cờ thế giới, làm lại luật chơi!
Trong
tình hình kinh tế thế giới đang bước vào một thời kỳ khủng hoảng lớn vì phải
thay đổi cấu trúc và tìm hướng phát triển mới, cục diện quốc tế một siêu đa
cường đã chín muồi đang đặt ra nhiều vấn đề lớn nghiêm trọng, những thay đổi có tính chiến lược nói
trên rồi đây nước Mỹ sẽ phải tiến hành – biểu hiện tượng trưng cụ thể là việc
Trump thắng cử - hiển nhiên là một cú hích đẩy sự vận động của thế giới và các
mối quan hệ quốc tế bước vào một thời kỳ toàn cầu hoá
mới với 5 đặc điểm:
- khác rất nhiều so với
trước (với nghĩa: tiếp tục
làm ăn theo quán tính và thói cũ sẽ cám cũng không có mà ăn, hoặc mất cả chì
lẫn chài!),
- mang tính quyết liệt
hơn trước (sát phạt nhau thẳng
thừng – without pardon or any pity!),
- nhiều bất định hơn
trước (ví dụ: Trump tranh cử
nói sẵn sàng bỏ qua cho Nga vấn đề Krym có tính nguyên tắc. Ngày 21-11-2016
Trump nói: trong 100 ngày nhậm chức đầu tiên sẽ đưa nước Mỹ rút khỏi TPP – một
công cụ địa kinh tế địa chính trị hướng thế giới vào sự phát triển cân bằng và
bền vững hơn, bao hàm cả nội dung hạn chế ảnh hưởng các đối thủ uy hiếp Mỹ, tạo
ra tập hợp lực lượng mới cho dân chủ và tiến bộ… mà triều đại Obama đã mất
nhiều công xây dựng. Về một số việc khác người Mỹ nói thẳng thực tế đang có 2
ông Trumps – Ari
Fleischer. Vân
vân...),
- chủ nghĩa dân tộc trở
nên đậm nét hơn – trong trường hợp nhất định không loại trừ tính cực đoan (nổi
bật là các hiện tượng “giấc mộng Trung Hoa” thời Tập Cận Bình, “Putinism”, “Brexit”,
“Duterte”; hiện tượng gần đây “xoay trục” khỏi liên minh của một số nước Đông
Âu hướng về Nga và của một số nước thành viên ASEAN hướng về Trung Quốc; hiện
tại người ta đã nói đến “Trumpism” (Nguyễn Quang Dy)...
- đặc biệt là khu vực
Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và vùng Biển Đông nói riêng hội tụ nhiều mối
quan hệ và mâu thuẫn có tính chiến lược tòan cầu của những tập hợp lực lượng
của các nước lớn, trước hết là của 2 đối thủ chính của nhau chi phối bàn cờ thế
giới là Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài
ra sự phát triển của cục diện quốc tế hiện nay còn có hai cụm vấn đề cần chú ý
sau đây:
- Các sự kiện Krym, Nga
leo thang chiến tranh ở Syrie, những căng thẳng Nga – NATO tại vùng Ukraina và
Balcan, những hiện tượng Trung Quốc leo thang quân sự trên Biển Đông và biển
Hoa Đông, những nguy cơ đụng độ quân sự Mỹ - Trung trên biển Đông, những cuộc
chiến của IS với sự tham gia chồng chéo của nhiều bên khác nhau… – đấy là những
sự kiện khẳng định chiến tranh lạnh II đang diễn ra. Sự thực là đã có lúc Biển
Đông bị đẩy rất gần đến miệng hố chiến tranh (sự kiện HD 981), đã có không ít
tiếng nói về nguy cơ chiến tranh thế giới III. Đặc biệt là vấn đề Biển Đông
liên quan trực tiếp đến vận mệnh của Việt Nam, rất nhạy cảm, và thách thức rất
quyết liệt.
- Tạm gác mọi suy đoán tương lai sang một bên đến
sau 100 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Trump sẽ hay. Nhưnng ngay bây giờ
có thể nhận định: Nước Mỹ thời Trump có thể sẽ rơi vào chủ nghĩa
biệt lập, hoặc lựa chọn con đường diều hâu, hoặc biệt lập đối với
lợi ích xa (trước hết với nghĩa chỉ thực hiện những cam kết rất chọn lọc) và diều hâu đối với
lợi ích gần (liên quan đến những vấn đề sống còn, quyền lực và vị thế chiến
lược của Mỹ), hoặc Mỹ có thể có những lựa chọn khác, vân vân... Song vô luận
kịch bản nào xảy ra cũng đều có thể dẫn đến những hệ luỵ thậm chí có khi rất
nghiêm trọng đối với các nước bên thứ 3 – bởi vì khoảng trống nào (vacuum) cũng
luôn luôn là đối tượng không tha của tranh giành quyền lực (game of thrones). Thực
tế này trong mọi diễn biến khác nhau của các mối quan hệ song phương hoặc đa
phương của bộ 3 Mỹ - Trung – Nga đòi hỏi hơn bao giờ
hết các nước bên thứ 3 phải có sức mạnh và bản lĩnh cần thiết cho phép tỉnh táo
đứng vững trên đôi chân của chính mình và tự bảo vệ được mình. Không làm
được như vậy, các nước bên thứ 3 sẽ khó thoát khỏi số phận là nạn nhân hoặc con
mồi của các bên tranh chấp. Ukraina là một ví dụ điển hình.
♦
Trở lại nước Mỹ. "Chúng ta đã trở nên lố
bịch trước chính bản thân lẫn lịch sử của mình. Khi đồng minh không tin tưởng
bạn, kẻ thù không nể sợ bạn, thì bạn không còn chút tín nhiệm nào nữa đối với
thế giới..." Trump
đã nói thẳng với nước Mỹ như vậy và kêu gọi “We make America great
again!”.
Thực
tế Trump đã đặt lên bàn nghị sự của nước Mỹ nhiều vấn đề quan trọng phải thay
đổi – dù khả thi hay không khả thi, dù có thể hay không thể có giải pháp...
Rồi
đây có hoặc không có Trump, với cuộc bầu cử này nước Mỹ tự chính nó đã
bắt đầu lao vào một thời kỳ thay đổi quyết liệt mới. Nước Mỹ là như vậy. Vì
sống còn ở vị thế cường quốc số 1, nó đã luôn phải quẫy lên như vậy tại mỗi
bước ngoặt quyết định. Cuộc bầu cử cho thấy hôm nay cũng thế.
Nước
Mỹ có lẽ sẽ không ít sóng gió trong những năm tới do phải vật lộn với nhiều vấn
đề trong/ngoài mang tính chiến lược. Cũng không loại trừ nước Mỹ (hay là nền
dân chủ Mỹ?) nhất thời sẽ phải trả cái giá nào đó, nhất là trong trường hợp câu
chuyện Trump nếu cuối cùng
chỉ còn lại là một “game tồi” mà diễn viên chính là tổng thống Donald Trump có
quá nhiều cá tính. Bởi vì thế giới có không ít rủi ro (ví dụ vấn đề Bắc Triều
Tiên trong bối cảnh đang xảy ra khủng hoảng chính trị hiện nay ở Hàn Quốc liên
quan đến tổng thống nước này), và Mỹ có cũng không ít vấn đề bất khả thi, nên
mỗi nước bên thứ 3 hữu quan như Việt Nam ta phải tính toán mọi bề để khỏi bị
bất ngờ. Như là một định luật vĩnh hằng, bài toán nào được đặt ra cũng đều đòi
hỏi nước bên thứ 3 phải
tự cứu mình trước khi trời cứu!
Song
nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng nước Mỹ đã trải qua trong lịch sử và sức sống
hiện tại của Mỹ cho phép khẳng định:
- Tầu lớn đâu có kiêng gì sóng cả. Dù có thể xảy
ra những chao đảo nhất thời, chắc chắn trong vài thập kỷ tới cường quốc số 1 Mỹ
sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tích cực hoặc tiêu cực với toàn cầu, vẫn cuốn
hút cả thế giới.
- Các nước bên thứ 3 trong bối cảnh của thế giới
và của nước Mỹ nhiều biến động sâu rộng và vận động rất năng động hôm nay nên
và hoàn toàn có thể từ phát huy sức mạnh nội tại của mình tranh thủ cơ hội tự
khẳng định và bảo vệ chính mình – đây là con đường sống và phát triển. Vì vậy,
dấy lên sự đoàn kết của các nước bên thứ 3 là một sức mạnh nhất thiết phải chủ
động tạo ra trong cục diện thế giới đã sang trang. Tại sao không dám mơ ước và
phấn đấu tạo ra quyền
lực các nước bên thứ 3 trên bình diện quốc tế hôm nay để tự bảo vệ mình và
phát triển? Mỗi nước bên thứ 3 là một động lực thì có thể làm được, và trên đời
này không thể sống bằng “free lunch”!
III.
Kết luận:
Trong thế giới hôm nay Việt Nam cũng phải quẫy lên
mở đường bước sang trang mới
Trong thế giới hôm nay Việt Nam cũng phải quẫy lên
mở đường bước sang trang mới
Tại đây, ngay tức khắc, tôi chỉ muốn kêu lên thật to một cách dân dã để cho cả
cả nước nghe thấy:
Nếu cường quốc số 1 Mỹ hôm nay có 10 (mười) lý
do phải quẫy lên, thì Việt Nam ta phải có đến 1000 (một nghìn) lý do để làm như
vậy!
Nghĩa
là đòi hỏi quẫy lên của nước ta bức bách hơn của Mỹ hàng trăm lần. Nhất là Mỹ
không đứng trước những nguy cơ có thể gây sụp đổ như ở ta, hoàn toàn không có
nỗi lo bị ăn thịt như của ta, cũng không ở gần Frankenstein Trung Quốc như ta…
vân vân và vân vân…
Thực trạng đất nước như thế nào đến mức phải thúc đẩy đất nước quẫy lên tôi đã
trình bầy cặn kẽ trong những bài góp ý cho Đại hội XII ĐCSVN. Hiện nay có nhiều
bài phân tích của nhiều tác giả khác nhau và của một số học viện trong nước làm
tốt việc này. Phần đánh giá tình hình Việt Nam trong chương trình Việt Nam
2035 của ta cùng xây dựng với World Bank cũng nêu lên được một số nét quan
trọng. Vì thế, trong phần kết luận này tôi chỉ xin nhấn mạnh một số ý rút ra từ
những kinh nghiệm đau lòng.
Khi bức tường Berlin sụp đổ với hiệu ứng cuối cùng là chiến tranh lạnh kết
thúc. Nước ta đứng trước thời cơ có một không hai là thoát ra khỏi tình trạng cứ phải bám theo ai đó
và thoát khỏi sự trói buộc của ý thức hệ, để ta trở lại là chính ta trên đôi chân
của mình như đã từng trên con đường giành độc lập thống nhất, để cùng đi với cả
thế giới trên con đường dân tộc và dân chủ xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhưng
Đảng đã lựa chọn cho đất nước con đường Thành Đô. Hệ quả đến nay là 3 thập kỷ
đau khổ vì đất nước bị lũng đoạn, kìm hãm; tủi nhục vì bờ cõi bị xâm phạm, đất
nước tiếp tục thua em kém chị nhiều bề!..
Hôm
nay thế giới đã sang trang, lại một lần nữa câu hỏi: Đảng lựa chọn gì cho
đất nước?
Lại quẫy lên vấn đề đại sự: Tại bước ngoặt sang
trang này, có nên không, có dám không lựa chọn cho đất nước con đường mà trước
Thành Đô ta lẽ ra đã phải chọn nhưng bỏ lỡ, để từ nay quyết đứng trên đôi chân
của mình, cùng đi với cả thế giới, và cùng với cả thế giới dấn thân cho những
gì mà chính nước ta cũng đã ghi trong Tuyên Ngôn Độc Lập 02-09-1945? – Xin đừng
bao giờ quên người viết ra Tuyên Ngôn này là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng do
Người lập ra.
Trả lời câu hỏi này là trách nhiệm của ĐCSVN
với tính cách là đảng đang nắm mọi quyền hành đối với đất nước – trước hết là của
Bộ Chính trị và Tổng thư của Đảng. Chiểu vào Điều 4 của Hiến pháp hiện hành,
theo tinh thần không phải chỉ có phần Đảng được hưởng cái gì, mà quan trọng hơn
nhiều lần và có tính chất quyết định là Đảng phải thực hiện nghĩa vụ gì, nhất
thiết phải xem đây là trách nhiệm ràng
buộc của Đảng đối với đất nước. Trả lời đúng hay sai sẽ quyết định
mất/còn vận mệnh của đất nước và bản chất của Đảng. “Kinh nghiệm Thành Đô”
đã chỉ ra như vậy.
Thiết
nghĩ toàn Đảng tại bước ngoặt hôm nay nên tự hỏi: So với tất cả mọi nhiệm vụ
hay công việc Đảng đang làm, có việc gì hay nhiệm vụ nào đáng làm hơn, trọng
đại hơn, thiêng liêng hơn đối với Đảng lúc này (thực hiện trách nhiệm ràng
buộc) là tập trung ý chí, trí tuệ và phẩm chất trả lời đúng câu hỏi này, tìm
cách từ đoàn kết và hoà giải dân tộc dấy lên sức mạnh của cả nước thực hiện
bằng được câu trả lời đúng? Còn hay không còn là đảng cách mạng, là đảng vì
nước vì dân như ghi trong Điều lệ Đảng là ở điểm này. “To be or not to be?”
là vậy. Xin tự hỏi, tự xét, và
tự làm.
Người
viết bài này chỉ muốn nhắc lại ở đây quan điểm kiên trì hàng chục năm nay của
mình: Trong những điều
kiện hiện nay của đất nước và trong bối cảnh thế giới sang trang hôm nay, tiết
kiệm xương máu nhất cho đất nước, bảo toàn mọi thành quả đất nước đã chắt chiu
được với những cái giá vô cùng đắt, và cũng là tối ưu duy nhất cho đất nước là
ĐCSVN tự nâng mình lên chủ xướng cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn được
nữa, nhằm quẫy lên và xây dựng bằng được một Việt Nam như thế giới đã sang
trang hôm nay đòi hỏi. Điều kiện tiên quyết duy nhất là Đảng phái có ý chí Tổ quốc trên hết!
Xác
định được như vậy, Đảng sẽ đánh thức, sẽ giải phóng được ý chí, trí tuệ
và nghị lực của toàn dân tộc, đất nước này dứt khoát sẽ khai phá được cho mình
con đường phải lựa chọn trong thế giới sang trang hôm nay, sẽ đề ra được các
giải pháp đúng. Lẽ đơn giản là không thể nào có giải pháp đúng trong tình huống
sự lựa chọn đường đi sai! Trên hết cả đối với Đảng: Xác định được như vậy, Đảng
sẽ tự đổi đời được chính mình, sẽ khắc phục được cái mà nghị quyết Trung ương 4
mới đây quy thành 27 tội lỗi, để phấn đấu trở thành một đảng mang tính chiến
đấu vì dân tộc, chỉ vì tổ quốc và dân tộc!
Thế
giới đã sang trang, đặt ra muôn vàn khó khăn và thách thức mới rất quyết liệt.
Nghiêm trọng nhất đối với nước ta có lẽ là tình huống vì những lý do nào đó xẩy
ra những khoảng trống mới do tranh giành quyền lực toàn cầu đang thay đổi – ví
dụ như cái trục xoay Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay quá yếu hoặc thậm chí có
thể không còn nữa, TTP không Mỹ coi như không còn là TTP, những phiêu lưu mang tính
cơ hội rất nguy hiểm của quyền lực bá quyền “giấc mộng Trung Hoa”, những nguy
cơ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, v… v… Làm gì? Làm thế nào bây giờ? Nhất là
cùng một lúc đất nước đang bị cái mũ kim cô chính trị - ý thức hệ siết chặt,
cái cùm nợ nần và nhập siêu dìm xuống, tham nhũng tiêu cực đè nặng, quyền lực
rắn và quyền lực mềm lũng đoạn khắp nơi, môi trường tự nhiên bị tàn phá, lòng
dân phân tán, mà Đảng thì như thế này!..
Chỉ
có một câu trả lời: Toàn Đảng phải đứng lên thực hiện trách nhiệm ràng buộc ghi
trong Điều 4 của Hiến pháp, quyết xốc đất nước này đứng dậy!
Hôm nay tôi xin bổ
sung: Nhân dân cả nước, dù
là trong Đảng hay ngoài Đảng, dù là trong hay ngoài bộ máy nhà nước, dù sống
trong nước hay ở nước ngoài, nên đứng lên đồng thanh đòi hỏi Đảng – trước hết
là lãnh đạo Đảng – chọn câu trả lời đúng, thực hiện câu trả lời đúng, sẵn sàng
hết lòng giúp Đảng làm được trách nhiệm ràng buộc này, đồng lòng đi với Đảng vì
sứ mệnh này, bảo vệ Đảng trong thực hiện sự nghiệp này! Tôi nghĩ rằng mình
không mù trước những gì đã và đang xảy ra trên con đường của đất nước ba thập
niên vừa qua và đang tiếp tục xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn hôm nay, tôi
cũng không điếc để nghe những điều đau lòng phải nghe.
Chính vì vậy, xin đừng vội
quy kết tôi ảo tưởng, mà xin tất cả người dân Việt chúng ta hãy can đảm lựa
chọn điều hầu như là không tưởng: Đồng thanh đòi hỏi Đảng phải tìm câu trả lời
đúng cho đất nước lúc này. Xin cả nước quyết nhìn về phía trước thực hiện sự
lựa chọn can đảm này, trước khi buộc phải lựa chọn khác.
Sự
lựa chọn can đảm này là bước đầu tiên trên con đường đổi đời tất cả chúng ta và
đất nước!
Về
phía mình, nhân dân tự thực hiện đoàn kết và hoà giải dân tộc trước hết là để
thực hiện sự lựa chọn can đảm này!
Tổ
quốc của chúng ta xứng đáng và sẽ là vô địch với sự lựa chọn này của chúng ta!
Nguyễn
Trung
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
23-11-16
__._,_.___
No comments:
Post a Comment