Quốc hội họp kín về Biển
Đông - Dân nghĩ gì?
Hòa Ái,
phóng viên RFA
2015-06-08
2015-06-08
Trung Quốc đang gấp rút cải tạo các đảo đá nhân
tạo ở Biển Đông. Ảnh chụp từ máy bay quân sự Hoa Kỳ hôm 11/5/2015.
Quốc hội VN không đưa ra được lời tuyên bố nào về tình hình hình biển
Đông sau phiên họp kín hôm thứ Sáu vừa qua.
“Thật sự thất vọng! Đã thất vọng từ lâu chứ không phải bây giờ vì
từ trước đến nay bất cứ chuyện gì người dân không được tham gia đóng góp ý kiến
và mọi thông tin Nhà nước này cũng không bao giờ mở cho người dân biết”.
Vừa rồi là chia sẻ của một người dân ở Sài Gòn khi biết tin Quốc hội
VN họp kín vào chiều hôm mùng 5 tháng 6 năm 2015 để nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ
trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh báo cáo về tình hình biển Đông.
Trước phiên họp kín diễn ra, báo giới trong nước trích lời của một
số đại biểu Quốc hội bày tỏ Đảng CSVN và Nhà nước không nên vì hợp tác với Trung
Quốc mà hy sinh tấc đất, tấc biển nào của quốc gia sau khi nghe Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng vẫn kiên định tuyên bố “Việt Nam vừa hợp tác vừa đấu tranh”.
Nhiều người dân quan tâm đến vận mệnh đất nước trước động thái bành
trướng của Trung Quốc cho mở rộng 800 ha và quân sự hóa hai đảo cùng bãi đá chiếm
được của VN ở Trường Sa cho rằng có sự không minh bạch khi Quốc hội họp kín về
tình hình Biển Đông. Họ lý giải mặc dù Quốc hội là cơ quan cao nhất nhưng chỉ
về mặt hình thức chứ không có thực quyền. Tuy vậy, dân chúng trong nước cũng mong
chờ buổi họp kín ít nhiều đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của họ khi biển,
đảo, lãnh hải quốc gia đang đứng trước nguy cơ bị xâm chiếm.
Bạn trẻ Thiên Ân
từ Đồng Nai bày tỏ:
“Nói chung tình hình ở Biển Đông thì em quan tâm cũng rất nhiều
trong thời gian hiện nay. Em cũng nghe về Quốc hội họp kín, em cũng đang chờ
chính phủ VN đi theo con đường nói chung nghiêng về phía Mỹ thì mới đủ tài năng
quân sự để đánh lại Trung Quốc”.
Trong khi tại cuộc đối thoại quốc phòng thường niên Shangri-La lần
thứ 14 vừa diễn ra ở Singapore hồi cuối tháng 5, nhiều quốc gia trong đó có Hoa
Kỳ lên tiếng quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông thì Quốc hội VN sau
cuộc họp kín đã không đưa ra được lời tuyên bố nào với lý do các đại biểu không
có thời gian thảo luận vì phiên họp này không có trong chương trình nghị sự.
Một vài vị đại biểu lên tiếng vấn đề Biển Đông có thể sẽ được Quốc hội bàn đến
trong tuần này chung với các cuộc thảo luận về kinh tế xã hội. Trưởng đòan Đại
biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Anh Sơn phát biểu nếu Quốc hội không có
hành động thích đáng thì sẽ tạo ra tiền lệ xấu về sau.
Nếu nhà nước tổ chức biểu tình...
Người dân Hà Nội biểu tình phản đối các hành động của Trung Quốc ở
Biển Đông hôm 3/7/2011. AFP photo
Ngay sau phiên họp kín của Quốc hội về tình hình biển Đông, vào sáng
mùng 6 tháng 6, tàu Tân Hải 517 của Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Bình Thuận-Bà
Rịa Vũng Tàu khoảng 40 hải lý. Trả lời câu hỏi của Hòa Ái liệu rằng người dân
sẽ xuống đường tuần hành để phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển
Đông hiện nay hay không khi Quốc hội VN không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, Blogger
Huỳnh Công Thuận, người từng tham gia các cuộc biển tình tự phát chống Trung
Quốc trước đây, cho biết:
“Theo tôi thấy là không. Chúng tôi, những người đấu tranh, thấy rõ
rằng nếu có là do chính quyền muốn khơi, dẫn đường cho người ta biểu tình chứ
không phải người dân tự biểu tình. Chúng tôi nói đúng theo từ ngữ của nhà cầm
quyền là ‘chuyện đó có Đảng và Nhà nước lo’, không lo đến chuyện đó nữa. Lo
không được. Đã bao nhiêu lần biểu tình chống Trung Quốc xâm lược rõ ràng qua vụ
giàn khoan 981 mà lại bị bắt bớ, bị làm khó dễ, bị quy chụp là lợi dụng biểu tình
chống phá Nhà nước”.
Blogger Huỳnh Công Thuận cho biết thêm tinh thần yêu nước chống ngoại
xâm của ông cũng như của nhiều người dân không bị dập tắt vì những áp lực của
nhà cầm quyền Hà Nội gây ra nhưng sẽ không tham gia vào cuộc biểu tình nào nếu được
Nhà nước tổ chức. Một người dân ở Sài Gòn có cùng quan điểm, nói với đài ACTD
vì sao không tham gia cuộc tuần hành do Thành Đoàn tổ chức:
“Tổ chức đi biểu tình chống Trung Quốc gì mà cứ ca ngợi Bác Hồ,
hát những bài hát về Bác Hồ. Bây giờ đất nước, biển, đảo bị Trung Quốc lấy mà
Thành Đoàn tổ chức đâu kêu chống Trung Quốc đâu”.
Những người dân trong nước đài RFA tiếp xúc được đều bày tỏ sự bất
mãn đối với Đảng CSVN lãnh đạo khi mềm mỏng quá mức cần thiết trước sự leo thang
căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc với VN. Dù chính phủ VN đang có các kế
hoạch như tiến hành cải tạo đất tại đảo Sơn Ca và đảo Đá Tây ở khu vực Trường Sa,
hay đang đàm phán với phương Tây để mua các loại máy bay phản lực chiến đấu, phi
cơ trinh sát biển...và mở tour đưa khách du lịch đến Trường Sa vẫn không khiến
cho dân chúng tin tưởng tưởng VN có chủ quyền thật sự ở Biển Đông.
Dư luận vẫn đặc biệt quan tâm đến thông báo kết quả kiểm tra của Hà
Nội về việc tàu Trung Quốc săn đuổi tàu cứu hộ ngư dân của VN hôm mùng 1 tháng
6 tại đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa vừa qua. Và trước tình thế người dân
cho là chủ quyền độc lập quốc gia đang nguy cấp cùng sự trường tồn của dân tộc,
nhiều người lên tiếng rằng phải chăng đã đến lúc cần có một “Hội nghị Diên Hồng”?
No comments:
Post a Comment