Sám hối (I)
Minh Võ
Lời
ngỏ: Những lời kêu gọi hoà giải dân tộc thường bị hiểu lầm và đả kích. Cho nên
trước khi nhập đề, chúng tôi xin xác nhận đây chỉ là ý kiến về sự sám hối là
điều kiện tiên quyết và là bước đầu để đi đến hoà giải thực sự. Không có sám
hối từ cả hai phía thì sẽ không thể có hoà giải.
Sám
hối, ôi hai chữ dể thương làm
sao! Nhưng cũng dễ sợ thế nào ấy. Dễ thương vì khi nghe cô em gái nhận lỗi mà
xin tôi tha thứ thì tôi chỉ muốn ôm chằm lấy mà tha mấy lần cũng được. Nhưng dễ
sợ vì khi mẹ tôi bảo tôi nhận lỗi và ăn năn vì đã xích mích với em hay đánh trả
em gái, thì y như rằng tôi phụng phịu. Lỗi nó chứ lỗi gì ở con?
Hai chữ sám
hối mà tôi muốn nhắc đến ở đây tôi nghe đã 10 năm rồi. Tôi đâm ra
có cảm tình ngay với người nói hai tiếng đó, mặc dầu hãy còn nhiều điều tôi
chưa đồng ý với ông ta. Có người còn bảo ông ta chỉ là cò mồi, hay đặc công của
Cộng Sản. Kể ra cũng oan. Cũng có người coi ông ấy là người của tướng nổi tiếng
sát quân Võ Nguyên Giáp được phái ra nước ngoài dọn đường cho ông tướng này lên
nắm quyền, v.v… Hư thực ra sao không cần biết. Nhưng dích thực ông ta đã hoàn
toàn thất vọng về ông tướng này rồi.
Sở dĩ tôi cứ rồi rắng mãi đến nay mới dám nhắc
lại hay chữ gây cảm tình này, là vì tôi sợ, rằng tôi cũng phải sám hối, chứ
chẳng chạy đâu khỏi. Xin thưa toạc ra rằng thì là…
Năm ấy, cách nay đúng một thập niên, trong khi
nghiền ngẫm gần một trăm cuốn sách lớn nhỏ và hàng ngàn trang tài liệu đang gây
tranh cãi, để biên soạn cuốn Phản
Tỉnh Phản Kháng… (1)
tôi đã chú ý đặc biệt tới thái độ sám hối của một nhân vật. Tôi đã đếm trong 4
tác phẩm (2)
của ông ta được đúng 3 lần hai chữ sám hối. Nhiều lần ông ta đã viết, hay nói:
“Tôi nhìn nhận là tôi đã đóng góp vào những phần
tội lỗi của đảng Cộng Sản khi tôi có chức có quyền.”
Thì ra đấy là lý do sám hối.
Năm nay, tôi nhớ lại thái độ của một người từng
“ở bên kia”, và đâm hổ thẹn và cũng cố lấy can đảm để nói lên hai chữ sám hối,
dầu đã quá muộn. Tôi chẳng nhân danh ai, nhân danh cái gì, mà chỉ vì một chút
lòng tự trọng còn rơi rớt lại trong một con người, từ trước chỉ nghĩ mình có
công chứ không bao giờ có tội để phải sám hối.
Tôi có tội đối với việc để mất Đệ Nhất Cộng Hoà,
rồi Đệ Nhị Cộng Hoà. Tuy lúc ấy chức vụ quyền hạn của tôi rất nhỏ hẹp, chỉ là
những phó và phụ tá. Nhưng nếu tôi cố gắng hơn, yêu nước hơn, hiểu rõ CS hơn,
chắc tôi đã góp được phần nhỏ vào việc giữ được nền Đệ Nhất Cộng Hoà, hay ít ra
cũng không để mất nước vào ngày 30 tháng tư. Tôi rất ân hận.
Và tôi biết ở cả hai phía, đều có những người
như tôi, hoặc ngay cả những thanh niên sinh ra sau chiến tranh chẳng dính líu
gì đến các tội ác chiến tranh, hay ngay cả những dân lành vô tội, suốt đời chỉ
chịu sự chỉ huy điều khiển của kẻ khác. Những người đó, trong lúc vận nước
không may, nguy biến xảy ra, họ cũng ân hận mình đã chẳng làm được gì hơn để
cứu nước. Họ ăn năn hối tiếc vì nghĩ tới lời người xưa, Quốc Gia Hưng Vong Thất Phu Hữu
Trách.
Như vậy thì những bậc lãnh đạo quốc gia trong
những giai đoạn nước nhà có biến, những bâc lãnh tụ các đảng phái, cộng đồng,
có thể nào không ăn năn hối lỗi vì những hành vi sơ sót của mình hay không?
Chuyện xét xử công minh thuộc về trách nhiệm của
lịch sử, hoặc theo ý tôi, tuỳ vào sự khoan hồng độ lượng của Tổ Tiên, Trời
Phật, hay Thượng Đế. Ở đây chúng tôi không dám lạm bàn.
Đã không giữ được nước là một cái tội. Nhưng mất
nước đã gần 35 năm rồi, vẫn chưa làm được gì cứu nước. Tội còn nặng hơn. Trong
khi đó mình lại cứ ôm dĩ vãng mà sống. Chỉ biết tự hào là phe mình có chính
nghĩa, phe mình đã tạo nên hàng trăm hàng nghìn chiến công oanh liệt.
Ngoài điều đó ra tôi còn phải ân hận, và tự
trách mình vì đã chẳng đóng góp được gì vào những kỳ công của cộng đồng người
Việt hải ngoại nhằm tố cáo tội ác Cộng Sản, hay can thiệp với Liên Hiệp Quốc,
với các cường quốc trên thế giới, hay với các tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Văn Bút
Quốc Tế, hội phóng viên không biên giới, v.v. Tôi đã chẳng mấy khi có mặt trong
các cuộc biểu tình chống triển lãm tranh ảnh HCM, chống các cuộc xuất hiện của
các lãnh tụ Việt Cộng, chống các cuộc trình diễn văn nghệ do CS tổ chức để
quảng cáo cho chế độ phi nhân ở trong nứoc. Tôi đã không có công gì trong việc
dựng được cờ vàng trên cả trăm thành phố và nhiều tiểu bang ở Mỹ và các nơi
khác.
Tôi cũng chẳng làm được gì tiếp tay cho những cá
nhận hay đoàn thể can thiệp với các nhà lập pháp nơi quê hương thứ hai để họ
làm áp lực với nhà cầm quyề CS trong nước bớt bắt bớ giam cầm những người đấu
tranh cho dân chủ, nhân quyền trong nước.
Đã thế, nhiều lúc tôi còn tự coi mình mới là kẻ
thắng, còn việt Cộng mới là kẻ bại. Chỉ vì những lời khen xã giao hay lời an ủi
của một số người. Cho nên tôi cứ tự hào, tự mãn về những tự do no ấm và tiện
nghi vật chất mà mình được hửong nhờ sự hảo tâm và bố thí của các nước bạn giầu
lòng từ thiện. Rồi đem so sánh với những đảng viên CS xấu số không nằm trong bộ
chính trị hay Trung Ương Đảng.
Nhưng than ôi, tôi đã quên bẵng đi rằng vì mình
không giữ được nước, để nhân dân rơi vào vòng oan khiên cho nên ngày nay những
thảm cảnh xảy ra khắp nước chính là trách nhiệm của tôi. Hàng trăm, hàng ngàn
nạn nhân như Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân,… Hàng ngàn hàng vạn những dân oan
vì mất đất mất nhà. Hàng vạn dân nghèo bệnh không có thuốc. Hàng triệu trẻ em
6, 7 tuổi không được đến trường phải đi bới rác kiếm ăn. Và kinh khủng nhất là
hàng trăm, hàng ngàn bé gái 8, 9 tuổi phải bán thân nuôi miệng ở xứ Chùa Tháp.
Những thảm cảnh trên không do tôi gây ra trực
tiếp. Nhưng vì chúng tôi thất trận nên đã gián tiếp gây ra. Ăn năn hối lỗi đến
bao giờ mới đủ? Ai có chút lòng trắc ẩn hay một tâm hồn của con người bình
thường có thể còn nói rằng mình không thua, chỉ bị bỏ rơi cho nên chẳng có
trách nhiệm gì về những tội ác và thảm cảnh đang diễn ra trong đất mẹ không?
Vì vậy càng nghĩ tôi càng thẹn và càng thấy mình
sám hối bao nhiêu cũng chưa đủ.
Suy bụng ta ra bụng người. Tôi dám chắc nhiều
người trong quý vị đang đọc hàng chữ này, cũng có lúc suy nghĩ và hối hận như
tôi. Vậy thì xin phép quý vị, chúng ta thử cùng nhau kiểm điểm lại tình hình trong
nước.
Chúng tôi xin trình bày một số sự kiện lịch sử
của nước nhà bắt đầu từ những thập niên 20, 30 thế kỷ trước chứng tỏ cả hai
phía Cộng sản và Quốc Gia chúng ta đều cần phải can đảm nhận lấy trách nhiệm và
hối lỗi.
Vào lúc ấy kẻ viết những hàng chữ này, hoặc là
chưa sinh ra, hoặc còn là hài nhi, thiếu nhi. Cho nên xin thưa trước là chúng
tôi không dám hỗn láo phê bình chỉ trích các bậc tiền bối như các cụ Hồ Học
Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Huỳnh Thúc Kháng vân
vân… Cũng không dám trách vua Bảo Đại, thủ tướng Trần Trọng Kim và các vị bộ
trưởng trong chính phủ của ông.
Nhưng đọc lại lịch sử thì chúng tôi phải ghi
nhận rằng các vị đó đã không hiểu Cộng Sản, và những mưu mô mánh lới của lãnh
tụ Cộng Đảng Hồ Chí Minh. Mặc dù, xin thú thật, nếu ở vào địa vị các vị tiền
bối đó, chắc chắn chúng tôi cũng không rõ mình phải làm gì cho đúng, vì chắc gì
vào thời gian đó chúng tôi đã hiểu CS hơn ai. Chỉ gần đây cái quái thai của
lịch sử là chủ nghĩa CS mới được nhân loại thấu hiểu. Cho nên trong dĩ vãng
không hiểu rõ về CS là điều có thể thông cảm.
Trong năm 2009 này nhiều sự việc hệ trọng xảy ra
trong nước khiến nhiều nhà trí thức, đặc biệt là thuộc Viện Nghiên Cứu Phát
Triển, đã phải kêu toáng lên, mất nước đến nơi rồi. Mặc dầu đối với nhiều người
Việt ở Hải Ngoại, thực sự nước đã mất từ ngày 30 tháng tư năm 1975 kia.
Sở dĩ trong năm nay hiểm hoạ mất nước một lần
nữa vào tay Tầu Cộng mới hiện ra rõ rệt đối với đại đa số trí thức là vì có dự
án khai thác mỏ bôxít ở Trung Nguyên chỉ xảy ra ít lâu sau vụ Trung Cộng lập
huyện Tam Sa thuộc đảo Hải Nam. Người ta nhớ lại và liên kết hai sự kiện trên
với những sự kiện xảy ra trong dĩ vãng và thấy càng ngày âm mưu thôn tính từ
phương Bắc càng rõ rệt.
Từ công hàm của Phạm Văn Đồng ngày 14-9-1958,
đến bài học quân sự mà Đặng Tiểu Bình “dậy” cho Việt Cộng tại biên giới Việt
Trung năm 1979. Nhất là vụ Trung Cộng và Việt Cộng công khai tổ chức lễ khánh
thành cột mốc biên giới trên bộ tượng trưng mang số 1369, dưới sự chứng kiến
của thứ trưởng Ngoại Giao Trung Cộng Vương Nghị và thứ trưởng Ngoại Giao Việt
Cộng Lê Công Phụng (nay là đại sứ VC tại Mỹ). Sự kiện này xảy ra ngày
27-12-2001. Chưa kể những trận hải chiến do Trung Cộng tung ra vào những năm
1974 và 1988 nhằm xâm lấn và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Cũng chưa kể việc
nhiều ngư dân Việt Nam khi hành nghề trong hải phận Việt Nam đã bị tầu của
Trung Cộng bắt giữ và giam cầm trái phép.
Với những hiệp định về biên giới (30-12-1999) và
về lãnh hải (25-12-2000) ký kết giữa Trung Cộng và VC phía Việt Nam đã bị thiệt
khỏang gần 1000 CS trên bộ trong đó bị mất thác Bản Giốc, Suối Phi Khanh và Ải
Nam Quan, và khỏang 10,000 cây số vuông trên biển, coi như Trung Cộng cũng chỉ
mới trắc nghiệm những điểm ven biên. Nhưng với dự án khai thác Bô-xít ở Trung
Nguyên thì Trung Cộng đã đánh thẳng vào trái tim tổ quốc Việt Nam. Vì ai cũng
rõ đây chính là địa điểm chiến lược quan trọng, coi như yết hầu của Việt Nam.
Ông Ngô Đình Diệm từ những năm 1947 đến 1953 nhiều lần nhắc đến phần đất có tính
chiến lược về mặt quân sự cũng như kinh tế này. Và sau khi lên cầm quyền ông đã
luôn nhắc nhở, phải giữ cho bằng được Trung Nguyên, và ông đã chết hụt tại hội
chợ Ban Mê Thuột năm 1957 cũng vì muốn tạo bức tường thành bằng người ở đó.
Vì thấy “yết hầu” bị đe doạ, các nhà trí thức
nói trên đã “kiến nghị”, “thỉnh nguyện”, “phản biện”… hầu nhắc nhở hay làm áp
lực với nhà cầm quyền CS phải cứng rắn hơn với Trung Cộng, phải hủy bỏ kế hoạch
khai thác bô xít. Nhưng không có kết quả.
Tại hải ngoại trong vài năm nay, nhiều luật gia,
chính khách đã lên tiếng đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam. Tuy rằng
ai cũng biết đất nước ngày nay nằm trong tay Việt Cộng, đồng chí, đồng đảng với
Trung Cộng. Cho nên nếu đòi được hai quần đảo đó cũng chỉ là đòi hộ cho VC mà
thôi và đã dễ gì mà đòi được. Trước hết người đòi là cá nhân hay tập thể một
cộng đồng, hay chính đảng người Việt ở hải ngỏai lấy tư cách pháp nhân gì theo
quốc tế công pháp để đứng tên đòi, khi mình chưa đoàn kết được để thành một
pháp nhân có uy tín và thẩm quyền. Liên Hiệp Quốc, hay một toà án quốc tế nào
đó có coi một ông cựu bộ trưởng hay cựu thủ tướng VNCH trước đây còn uy tín hay
thẩm quyền không?
Tuy nhiên làm là cứ phải làm để chứng tỏ lòng
yêu nước, và ít nhất cũng cho người dân trong nước biết đến và so sánh: Tại sao
kẻ quản lý đất nước lại không làm việc đó mà lại để cho kẻ đã mất nước phải
đứng ra làm thay.
Trong năm nay nhiều tổ chức đảng phái quốc gia ở
hải ngoại đã tích cực vận động các tổ chức nhân quyền, ân xá quốc tế, văn bút
quốc tế, phóng viên không biên giới v.v… để họ can thiệp hay làm áp lực với VC
trong nước hầu bênh vực cho các người đấu tranh cho dân chủ trong nước bị VC
bắt giam, kết án, bỏ tù, hay cho những dân oan đi khiếu kiện vì bị cướp nhà,
cướp đất. Nhưng kết quả chẳng được là bao. Ngay Linh mục Nguyễn Văn Lý hay nữ
luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân là những từ nhân lương tâm được cả thế giới
biết đến, cũng không được VC phóng thích hay giảm án. Chẳng những thế, khi lâm trọng
bệnh không được điều trị hay cung cấp thuốc men, cho nên đang sống dở chết dở.
37 nghị sĩ (tức trên một phần ba thượng viện) thuộc lưỡng đảng Mỹ đã chính thực
can thiệp cho linh mục Lý. Vậy mà khi VC ân xá hàng ngàn tù nhân vào dịp “quốc
khánh” mồng 2 tháng 9 vừa qua ông cũng không được thả.
Xem ra chính sách ngoại giao của những nước lớn
như Hoa Kỳ không hứa hẹn gì cho cuộc vận động quốc tế cho nhân quyền tại Việt
Nam nữa.
Những sự việc xảy ra tại Việt Nam ngày nay trước
những vụ bắt bớ giam cần hàng loạt những nhà phản kháng đấu tranh cho dân chủ
tự do khiến nhiều người không khỏi nhớ lại những vụ Cộng Sản đàn áp dã man các
cuộc vùng dậy của nhân dân Ba Lan (Poznan 1956), Hung Gia Lợi (Budapest 1956)
và Tiệp Khắc (Praha 1968) vào những thập niên 50, 60 thế kỷ trứoc. Và cả vụ
Trung Cộng đàn áp dã man cuộc biểu tình đòi tự do của thanh niên sinh viên
Trung Quốc tại quảng trường Thiên An Môn giữa năm 1989. Những cuộc đàn áp vô
cùng dã man đó, khiến hàng vạn dân vô tội bị hy sinh, đã làm rung chuyển dư
luận thế giới. Nhưng lúc ấy cũng chẳng có cường quốc nào trong thế giới tự do
dám can thiệp để cứu các nạn nhân.
Cho nên mấy năm vừa qua phần đông các nhà lãnh
đạo tinh thần các tôn giáo trong nước đã không dám khuyến khích giáo dân biểu
tình để đòi công lý trong những vụ toà khâm sứ Hà Nội, các giáo xứ Thái Hà, Tam
Toà. Loan Lý, v.v. vì sợ con chiên bị đẩy vào chỗ chết mà sẽ chẳng ai can thiệp
để cứu. Mặc dù như chúng ta đã thấy những cuộc gọi là “biểu tình” đó chỉ là
những buổi cầu nguyện và hát thánh ca với đèn cầy cầm tay.
Tất cả những sự việc đó xảy ra cùng lúc với
những vụ đàn áp, bắt bớ hàng loạt các người khác như Vũ Hùng, Nguyễn Xuân
Nghĩa, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhân, Ngô
Quỳnh và Phạm Văn Trội, Trần Kim Anh, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung. Đó là
chưa kể những “bloggers” có những cái tên ngộ nghĩnh như Điếu Cầy, Người Buôn
Gió, Mẹ Nấm, v.v…
Theo dõi tình hình trong nứoc suốt hơn chục năm
qua, quả thực phải công nhận nếu cứ chờ sự can thiệp của ngoại quốc để thay đổi
thì chỉ là ảo mộng. Cho nên lần này, nhân thấy được mối nguy Việt Nam bị Trung
Cộng thôn tính, nhiều tổ chức và đảng phái quốc gia ở hải ngoại muốn sát cánh
với những người trong nước còn tâm huyết với dân tộc để cứu nguy đất nước. Có
người còn lạc quan cho rằng lúc này đây đã là giai đoạn cuối của cuộc tranh đấu
cho dân chủ tự do. Chỉ cần những người đứng ở hai bên chiến tuyến trước đây
biết hoà giải vói nhau, xoá bỏ hận thù để cùng nhau vùng dậy cứu nước.
Tuy nhiên cũng rất nhiều người không lạc quan
như vậy. Những người này không tin những lời “phản biện”, tuyên bố, kiến nghị….
của nhũng trí thức trong nước, hay của một vài bộ mặt trong hàng ngũ cán bộ cao
cấp đã hết thời, hết lực, trong đó có tướng Giáp. Họ vẫn cho rằng những kẻ này
phản tỉnh giả vờ, hay phản tỉnh vào giờ thứ 25.
Nhưng những người yêu nước thực sự sẽ không thể
làm gì để thay đổi, nếu không xoá bỏ được hận thù do cuộc chiến kéo dài gây ra
để có thể hoà giải với nhau và đoàn kết cùng nhau đối phó với kẻ thù phương
Bắc.
Để giải quyết vấn để nan giải này, chúng tôi mạo
muội đưa ra một đề nghị. Chúng ta hãy lấy lòng yêu nứoc thực sự của đại chúng ở
trong cũng như ở ngoài nứoc làm nền tảng, coi đó như nguồn nước thanh tẩy. Mọi
người hãy sám hối và tự thanh tẩy mọi di tích phản bội, yếu kém trong dĩ vãng
trong nguồn nước trong ấy. Tất cả những ai đã sám hối và được thanh tẩy bởi
lòng yêu nước chân chính, coi như đã được hoàn toàn đỗi mới, và khi đối diện
với nhau sẽ chỉ thấy mọi người đều là anh em, “đồng chí”, đồng bào. Đó là khởi
điểm của đoàn kết dân tộc, bước đầu trên con đường cứu nước đầy chông gai gian
khổ có thể dài muôn dặm, mà chỉ có sự đoàn kết do lòng yêu nứoc mới hứa hẹn
thành công.
Việc sám hối sẽ thực hiện ra sao và bắt đầu từ
đâu?
Đây là vấn đề phức tạp nghiêu khê dễ gây tranh
cãi. Chúng tôi sẽ cố trình bày một cách thành thực theo ý nghĩ chủ quan của
mình, dù biết sẽ có nhiều người không đồng ý.
Trước hết xin trở lại từ đầu với các vị tiền bối
đã nêu danh tánh ở đầu bài.
Các cụ Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng
Khanh, Nghiêm Kế Tổ, nhũng nhà ái quốc theo chủ nghĩa dân tộc, phi Cộng sản, đã
từng giúp đỡ, che chở, bảo lãnh cho Hồ Chí Minh và những cán bộ nòng cốt của
đảng CS sau này như Phạm Văn Đồng, Hoàng Van Hoan, Phùng Chí Kiên v.v….lại để
cho Hồ Chí Minh xâm nhập và lợi dụng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội (gọi tắt là
Việt Minh) và Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh (gọi tắt là Việt Cách). Nếu các vị
đó còn sống chắc chắn sẽ hối hận lắm. Và ở dưới suối vàng có thể đang thành tâm
hối lỗi, về sự sơ ý và “lòng tốt” của mình đã dành cho “bọn cướp nước”.
Giờ sám hối? Nguồn: huffingtonpost.com
Các lãnh tụ Việt Quốc, Việt Cách như các cụ Nguyễn Hải Thần,
Nguyễn Tường Tam, và nhất là Vũ Hồng Khanh…và một số đảng viên Đại Việt đã ngủa
tay nhận 70 ghế đại biểu trong cái gọi là Quốc Hội đầu tiên của Hồ Chí Minh, và
gia nhập chính phủ Liên Hiệp của Hồ Chí Minh chắc ở dưới suối vàng cũng hối
hận, vì mình đã tạo uy tín cho họ Hồ và đảng CS, để họ có được cái nhãn, cái
chiêu bài dân tộc, mà lôi kéo toàn dân vào những cuộc chiến tranh nồi da xáo
thịt. Đặc biệt đáng nói là 70 ghế đại biểu đã được tặng không (không phải bầu
bán gì cả) như một thứ quà hối lộ. Sự khờ dại của các vị đó đã tạo cớ cho CS
phỉ báng những đảng yêu nứoc quốc gia, dám so sánh các lãnh tụ quốc gia đó với
phân bón. (3)
Chúng tôi đã viết “nhất là cụ Vũ Hồng Khanh”, vì
cụ còn mắc bẫy của HCM cùng ký với ông ta vào hiệp định sơ bộ 6-3-1946, mà sau
này các đồng chí của cụ gọi là “hiệp định bán nước”, không khỏi cảm thấy
mình “há miệng mắc quai”.
Về việc vua Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim
thoái vị và từ chức trong tháng 8 năm 1945, lúc ấy nhiều người coi đó là một cử
chỉ sáng suốt của những công dân yêu nước. Nhưng ngày nay nhìn lại thì ai cũng
chê là dại dột, không nắm vững tình hình, không biết người biết mình. Trong 2
cuốn hồi ký “Con Rồng Việt
Nam” và “Một cơn Gió Bụi” sau
này, hai ông đã hối hận thì đã quá muộn. Nhưng xem ra trong nội các Trần Trọng
Kim hãy còn có những người như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng Giáo Dục), đến
cuối thế kỷ 20 hãy còn ca tụng “công lao dành độc lập” của Hồ Chí Minh. Không
biết tác giả “Tự Điển Danh Từ Khoa Học” sẽ có tỉnh ngộ và hối hận không.
Chiến thắng Điện Biên của Cộng quân đưa đến việc
chia đôi đất nước được nhiều người cho rằng đó là lỗi của tướng Pháp Navare
không nắm vững địa hình địa vật và khả năng tiếp vận của địch. Có người lại
trách Mỹ đã không chịu cho thực hiện kế hoạch Vulture để dùng không lực hùng
hậu của mình (thậm chí cả bửu bối bom nguyên tử) tiếp cứu đồng minh v.v. Nhưng
đó là vấn đè trách nhiệm của Đồng Minh. Khỏi bàn. Chúng ta hãy bàn về trách
nhiệm và lỗi lầm của chúng ta.
Ai cũng biết quân ta lúc ấy rất yếu cả về quân
số lẫn tiếp vận và chỉ huy. Nên phải trông cậy hỏan toàn vào quân Liên Hiệp
Pháp. Quốc Trưởng Bảo Đại và các lãnh tụ Quốc Gia không tự mình chống đỡ được
những cuộc tấn công của Cộng Quân được Liên Sô, Trung Cộng tiếp viện dồi dào về
vũ khí và tuyên truyền. Nếu ngày nay còn sống chắc qúi vị ấy cũng hối hận là
mình chưa cố gắng đủ. Nhất là những ai lúc ấy chỉ cố bám lấy sức mạnh quân sự
của Pháp để tin rằng vũ khí vật chất mạnh hơn sức mạnh của ý chí, mưu lược và
tuyên truyền. Vì Cộng quân đã chiến thắng phần lớn nhờ sự tuyên truyền rằng họ
đánh Pháp và tố cáo các chính phủ của Bảo Đại chỉ là tay sai của Pháp. Nếu lúc
ấy (1946-1948) tất cả các lãnh tụ đảng phái quốc gia và các chính khách độc lập
yêu nước cùng đoàn kết với nhau để cùng quốc trưởng Bảo Đại tranh đấu với Pháp,
đòi cho bằng được một nền độc lập hoàn toàn thì sẽ có cơ sở vững mạnh hơn để
đánh sập chiêu bài “kháng chiến giành độc lập” của CS.
Từ khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà được thành lập
vào năm 1955, thì ta đã có một nửa nứoc hoàn toàn độc lập, không còn bóng quân
Pháp thực dân. Cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của chủ quyền quốc gia Việt Nam
bắt đầu tung bay trước Dinh Norodom, phủ toàn quyền của Pháp, dấu tích của gần
một thế kỷ nô lệ, đã được cải danh là Dinh Độc Lập. Như vậy phe Quốc Gia đã có
một bửu bối để lột mặt nạ chiêu bài dân tộc của phe Cộng. Nhưng một số tướng
lãnh và vài chính đảng đã bị người Mỹ mua chuộc để phá sập toà nhà độc lập được
xây dụng lên với bao công sức. Một chính quyền có cơ sở pháp lý vững vàng có uy
tín trước quốc dân và trước cộng đồng quốc tế bỗng dưng tiêu tan, tạo ra một
tình trạng vô chính phụ, hỗn loạn, trong đó “chính quyền trở thành thứ mà ai cũng
cướp giật được”, như tổng thống Mỹ Richard Nixon đã nói về hậu quả của việc lật
đổ ông Ngô Đình Diệm.
(Còn tiếp)
© 2009-2015 DCVOnline
(1) Phản Tỉnh Phản Kháng, Thực Hay Hư?
Thông Vũ xuất bản năm 1999 và tái bản năm 2004, 650 trang.
(2) 4 tác phẩm của Bùi Tín: Hoa Xuyên Tuyết, NXB Nhân Quyền; Về Ba Ông Thánh, Mây Mù Thế Kỷ, và Mặt Thật, NXB Saigon Press,
(3) Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh (trang 141) và cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên Giáp (trang 100-102) đều có nhắc lại những lời lăng nhục này. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến thời đệ nhất Cộng Hoà, ông Diệm đã dè dặt không dám dùng những lãnh tụ quốc gia đã mất uy tín đó?
(2) 4 tác phẩm của Bùi Tín: Hoa Xuyên Tuyết, NXB Nhân Quyền; Về Ba Ông Thánh, Mây Mù Thế Kỷ, và Mặt Thật, NXB Saigon Press,
(3) Trong cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”, tác giả Trần Dân Tiên, tức Hồ Chí Minh (trang 141) và cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Võ Nguyên Giáp (trang 100-102) đều có nhắc lại những lời lăng nhục này. Phải chăng đó là một trong những lý do khiến thời đệ nhất Cộng Hoà, ông Diệm đã dè dặt không dám dùng những lãnh tụ quốc gia đã mất uy tín đó?
__._,_.___
No comments:
Post a Comment