Siêu dông:
thói dối trá và bọn lưỡi gỗ
Sau cơn dông hung hãn như cơn bão cấp 8, cấp 9, Hà Nội cây ngã hàng
loạt và đã có hai người thiệt mạng. Lập tức báo Hà
Nội Mới, cơ quan của Thành ủy Hà Nội đăng bài (xin xem ở
đây) khẳng định những thiệt hại đó “cho thấy chủ trương thay thế, cải tạo cây
xanh ở nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội là hết sức đúng đắn và cần thiết”!
Hai bài sau đây, một của luật sư Trần Vũ Hải và một của nhà báo Lan Uyên, bóc
trần thói dối trá và vạch mặt bọn lưỡi gỗ một cách đích đáng.
Bauxite
Việt Nam
Thấy
gì sau trận lốc kinh hoàng chiều 13.6.2015
Trần
Vũ Hải
Cơn lốc chiều 13/6/2015 gây đổ khoảng 500 cây xanh, 2 người chết
và nhiều người bị thương, nhiều xe hơi bị bẹp. Có vẻ cơn lốc này xảy ra đúng
thời điểm sau khi ông Bí thư Hà nội và một ông Phó thủ tướng nói theo tinh
thần, kết luận của thanh tra Hà Nội rằng sai sót trong vụ chặt cây ở Hà nội
cùng chỉ dạng vừa vừa thôi, không lớn đâu, chỉ cần rút kinh nghiệm, kiểm điểm.
Nhiều người cho rằng việc chặt hạ và thay thế cây là cần thiết,
cơn lốc này chứng minh chủ trương của Hà Nội đó. Sự thật của cơn lốc này
đã cho thấy những điều sau:
1.
Đây là cơn lốc lớn và có
mức tàn phá kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ qua ở Hà Nội.
2.
Không chỉ cây đổ mà còn
một loạt cột điện, cột đèn, biển quáng cáo các cỡ các loại, mái nhà, thậm chí
móng nhà bị đổ, bị đứt, bị bật, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ người đi
đường và chung quanh không kém thậm chí còn hại hơn so với cây đổ.
3.
Không chỉ cây xà cừ
(được nhiều kẻ coi là tội đồ trong mùa mưa bão) đổ mà đủ loại cây các loại, lớn
nhỏ đổ, trong đó có những cây trồng trong những dự án bất động sản hiện đại
nhất Hà Nội. Đặc biệt những cây mới trồng và từng mệnh danh “vàng tâm quý hiếm”
cũng đổ, trơ những gốc còn nguyên bao bì để chứng minh chủ trương thay thế cây
đúng như thế nào.
4.
500 cây đổ trong cơn lốc
khủng khiếp này, nhưng phần không ít cây đổ sẽ nhanh chóng được dựng lại. Trong
khi 2000 cây xanh (mà phần nhiều là cây cổ thụ cần được bảo tồn theo luật định)
được con người chặt hạ trong thời gian ngắn vừa qua tại Hà Nội vĩnh viễn không
được phục hồi.
___
Mấy
ý kiến tiếp theo nhân cơn lốc chiều 13/6/2015 tại Hà Nội
1.
Đây là cơ hội tuyệt vời
cho kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo tìm hiểu về chất lượng các công trình trên
đường phố Hà Nội và các loại cây xanh đáng thay thế.
2.
Chất lượng các cột điện,
cột đèn, biển báo giao thông như thế nào, sao bị đổ nhiều thế.http://phapluattp.vn/…/giat-minh-voi-chat-luong-cot-dien-sa…
3.
Cây xà cừ có đáng xá tội
không, khi chiếm 10% cây trong nội thành nhưng chỉ có 4% cây đổ (34/800 cây đổ
trong nội thành)?
4.
Những nơi tập trung
nhiều cây xà cừ như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Đường Láng hầu như không có
cây đổ. Trong khi khu vực vừa thay thế hàng loạt cây xà cừ cổ thụ là phố Quang
Trung, cây xà cừ bị đổ và được coi gây chết người.
5.
Hai khu chung cư cao cấp
nhất của một tập đoàn đều có cây bị đổ, nhưng ngay tối chủ đầu tư đã cho dựng
lại và dọn dẹp như chưa xảy ra trận cuồng phong. Trong khi đến sáng nay, Hà nội
vẫn còn ngổn ngang những vết tích của cơn lốc.
6.
Hy vọng sau cơn lốc này
kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo sẽ có bảng tổng kết, rút kinh nghiệm và các biện
pháp cụ thể để đời thị trưởng Hà Nội sau sẽ không lặp lại những “sai sót” không
đáng có. Đây có thể là đóng góp đáng giá nhất của ngài kiến trúc sư trước khi
về vườn chăm sóc cây xanh và nhà của mình.
Chùm ảnh:
T. V. H.
Chặt
cây và cây đổ: Miệng lưỡi con người tàn ác như thiên tai
Lan
Uyên
(VTC
News) – Hậu quả để lại của cơn dông lốc chiều 13/6 đến nay vẫn khiến nhiều
người hoảng sợ, nhưng có lẽ đáng sợ hơn chính là lòng người trong cơn dông đó.
Sự khó lường của thời tiết mà nhiều người gọi đó là hiện tượng
“cực đoan” đang trở thành nỗi ám ảnh của con người. Thời tiết cực đoan hay lòng
người cực đoan, khó lường, khó đoán… là vấn đề được đặt ra sau vụ dông lốc mới
đây.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trận dông lốc chiều 13/6
đã khiến 1.350 cây xanh bật gốc, làm 2 người chết, 7 người bị thương, 140 ngôi
nhà bị tốc mái, 25 ôtô và nhiều xe máy bị hư hại… Hậu quả thật vô cùng
khủng khiếp. Khủng khiếp hơn khi nó lại tiếp tục liên quan đến cả ngàn cây xanh
vô tri ở Hà Nội.
Cảnh tan hoang sau trận cuồng phong ở Hà Nội
Cây gãy đổ, người đau thương… có liên quan gì đến nhau?
Tất nhiên
là có. Người ta đổi tại cây xanh Hà Nội mục ruỗng quá nhiều, loại cây rễ chùm
bám nông nên dễ dàng bật gốc, đổ rạp… gây ra cơ sự. Một vài người lên tiếng,
sau đó là đám đông ăn theo, la ó, chửi bới, đổ tội cho các cơ quan chức năng
của Hà Nội không chịu chặt hạ, thay thế những cây “đáng bị thay thế” này.
Mạng xã
hội chia sẻ hàng loạt các hình ảnh tan hoang sau cơn dông lốc với đủ các
lời bình luận. Sự tức giận, tiếng la ó, bất bình chủ yếu tập trung vào việc đổ
tội cây xanh, đổ tội cho những người từng bảo vệ cây xanh trong vụ chặt hạ thay
thế 6.700 cây của Hà Nội.
Hàng ngàn, vạn hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều
lời bình luận, ít thấy ai tỏ ra thương xót trước sự hoang tàn đổ nát của Hà Nội,
phần nhiều còn có vẻ thích thú trước hậu quả đau lòng từ cơn dông đó.
Họ là ai? Có thể, phần lớn họ là những người đã từng bảo vệ đề án chặt
cây xanh của Hà Nội mới đây, nay được dịp rủa xả những “người yêu cây xanh Hà
Nội”, rằng thấy chưa, việc chặt cây là đúng, các người yêu cây sao không đứng
ra bảo vệ cây trong dông tố; những lúc đó các người đang yên ấm ở đâu, để mặc
cây gãy đổ…
Thôi thì đủ các loại phát ngôn, đủ những lời rủa xả, một làn sóng chửi
bới ào ào, theo kiểu “tát nước theo mưa” được dịp tuôn ra. Rất có thể, trong
đám đông chửi bới kiểu “ăn theo” đó, có nhiều người trước đây từng “ăn theo”
trong vụ chửi bới phản đối chặt hạ cây xanh trong đề án 6.700 cây của Hà Nội
mới đây.
Lại vẫn là hiệu ứng đám đông, một người chửi, mười người, rồi trăm
ngàn vạn người chửi theo. Những người từng lên tiếng bảo vệ cây xanh trước đề
án chặt hạ, thay thế 6.700 cây của Hà Nội mới đây bỗng chốc biến thành kẻ tội đồ.
Không biết, cuộc chiến này ai thắng, ai thua? Hà Nội có hả hê không trước cơn
dông trời ban đúng nghĩa, cứu vớt đề án đang bị thanh tra, kết tội?
Nhưng sự thật, việc cây đổ trong cuồng phong chiều 13/6 với những
lùm xùm trong vụ chặt hạ thay thế cây xanh chẳng liên quan gì đến nhau. Đám đông
la ó, chửi bới, chắc hẳn cũng không phải là những người thực sự quan tâm đến đề
án chặt cây của Hà Nội, mà phần đông, chỉ là chửi cho “hợp thời”, kiểu “té nước
theo mưa”.
Mới đây, một tờ báo của Hà Nội còn lên tiếng, bảo sau
dông lốc mới thấy rõ sự đúng đắn của đề án chặt hạ thay thế cây xanh của Hà Nội
thế nào.
Chắc chắn không ai phản đối việc chặt hạ, thay thế cây xanh của Hà
Nội nếu như việc đó được thực hiện cẩn trọng, đúng mục đích “thay thế cây hỏng,
mục ruỗng, cây có dễ bám nông…”. Không ai phản đối nếu Hà Nội làm việc đó công
khai, minh bạch. Có điều, một số đơn vị, cá nhân đã sai phạm, đã mượn danh đề
án để làm việc khuất tất, chặt cây tươi tốt, thay thế cây “mỡ” mà bảo “vàng
tâm”, trồng cây còn nguyên lớp nilong bọc gốc…
Ai đó bảo, đừng “mượn gió bẻ măng”, bởi rõ ràng việc thiếu minh
bạch trong vụ 6.700 cây xanh đã có kết luận rồi. Dông lốc lớn đổ cây đè chết người
lại là câu chuyện khác.
Gió mạnh đổ xe tải trên cầu Thanh Trì thì cũng sẽ làm
đổ cây. Cây che chắn cho nhà cửa. Chặt hết cây, đổ nhà chết người khủng khiếp
hơn nhiều…
Quả đúng, thay vì gán ghép việc này sang việc khác, hò nhau chửi
bới cho hợp thời, có lẽ mỗi người hãy dành thời thời gian suy nghĩ, hiến kế cho
nhà quản lý, cách nào đó để việc chặt hạ, thay thế cây đúng mục đích, để việc
quản lý an toàn xây dựng, hành lang lưới điện… tốt hơn, tránh những hậu quả đau
lòng từng xảy ra như chiều 13/6.
Xin đừng “gió chiều nào, theo chiều ấy”, đừng cực đoan như thời
tiết. Cuộc sống vốn đã đầy những bất an, sẽ càng bất an hơn, khi chúng ta cứ hò
nhau la ó, chửi bới kiểu phong trào mà không biết, đôi khi có những chính sách
ra đời, chính do bị dẫn dắt bởi hiệu ứng đám đông. Hậu quả khi đó thật khó
lường!
1.
U.
__._,_.___
No comments:
Post a Comment